Vai trò của đối ngoại với phát triển kinh tế-xã hội địa phương
VOV.VN - Công tác đối ngoại địa phương góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và của các địa phương nói riêng.
Kể từ sau Hội nghị Ngoại vụ 18 đến nay, công tác đối ngoại của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng đã được triển khai tích cực trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội theo đường lối đối ngoại đề ra tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của các địa phương về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày tham luận tại hội nghị.
Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành Trung ương đẩy mạnh công tác đối ngoại địa phương trên tất cả các lĩnh vực, qua đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và của các địa phương nói riêng.
Trong tham luận tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 sáng 12/8 tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong những năm trở lại đây, Hà Nội luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao (trung bình 7,41%/năm); hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và thị trường xuất khẩu của Hà Nội đã mở rộng ra 187 khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ; thu hút đầu tư FDI đạt được bước tiến đáng kể.
Theo đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt bước tiến đáng kể, lũy kế đến tháng 7/2018, Hà Nội đã có 4.300 dự án đầu tư FDI với số vốn đăng ký đạt gần 34 tỷ USD; đã thu hút và triển khai 105 dự án ODA với giá trị tài trợ cam kết hơn 4 tỷ USD…
Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI và 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã tạm vượt lên đứng thứ nhất của cả nước trong năm 2018.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, kết quả đạt được có phần đóng góp không nhỏ của đối ngoại kinh tế. Theo đó, công tác đối ngoại kinh tế của Hà Nội không ngừng được đẩy mạnh thông qua các hoạt động gặp gỡ, xúc tiến giữa lãnh đạo cấp cao của thành phố với các tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn trên thế giới, các chương trình hội nghị, hội thảo quốc tế và xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch, tăng cường giao lưu với các thành phố, thủ đô của các nước, triển khai các hiệp định song phương, đa phương về kinh tế…
Chia sẻ quan điểm đánh giá cao tầm quan trọng của công tác đối ngoại đối với phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng dẫn chứng thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 từ ngày 6-11/11/2017 tại Đà Nẵng.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Tuần lễ Cấp cao APEC kết thúc tốt đẹp đã đánh dấu thành công rực rỡ của Năm APEC Việt Nam 2017, góp phần nâng cao hình ảnh, vai trò, vị thế và tạo ra những cơ hội mới cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng. Đối ngoại địa phương là “trái tim của hội nhập”
Ông Hồ Kỳ Minh cũng cho biết, hiện thành phố đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác chính thức với 40 địa phương của 19 quốc gia và vùng lãnh thổ và trong thời gian tới sẽ chú trọng đẩy mạnh thiết lập quan hệ hợp tác với các thành phố lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như các địa phương khác đã đặt vấn đề thiết lập quan hệ với thành phố thông qua giới thiệu của Cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước.
Nói về việc hợp tác với các địa phương nước ngoài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm chia sẻ, thành phố đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với 50 địa phương nước ngoài trên cả 5 châu lục. Và để quá trình hợp tác quốc tế cấp địa phương phát huy tối đa hiệu quả, thành phố luôn xác định rõ ràng các mục tiêu khi thiết lập quan hệ.
Ông Lê Thanh Liêm dẫn chứng, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa thành phố với các địa phương của nước bạn Lào, Campuchia chủ yếu tập trung ở hoạt động giao lưu chính trị, tăng cường quan hệ hữu nghị qua trao đổi đoàn, ngoại giao nhân dân... Trong khi đó, với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, hoạt động hợp tác lại định hướng theo mục tiêu tăng cường quan hệ hữu nghị để cùng hợp tác, tranh thủ vốn và công nghệ của bạn.
Bà Nguyễn Thị Phương Hồng, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản. |
Ở góc độ đầu mối kết nối giữa các địa phương Việt Nam và các địa phương ở nước ngoài, bà Nguyễn Thị Phương Hồng, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản chia sẻ, bên cạnh việc trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và các Cơ quan đại diện, cần tận dụng cơ hội để quảng bá về Việt Nam qua các cuộc hội thảo, buổi nói chuyện… nhằm thúc đẩy các địa phương sở tại quan tâm tìm hiểu, khảo sát, mong muốn hợp tác với Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Hồng, đây là nhiệm vụ không đơn giản bởi Cơ quan đại diện thường không có đầy đủ thông tin về các địa phương của Việt Nam, chủ yếu chỉ được cung cấp từ các tỉnh có nguyện vọng thăm, kết nối với địa phương tại khu vực. Theo bà Hồng, việc xây dựng được tài liệu thông tin cơ bản về thế mạnh của mỗi địa phương Việt Nam là rất cần thiết cho các Cơ quan đại diện.
Tại phiên làm việc của Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 sáng 12/8, ý kiến của lãnh đạo các địa phương đều mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong vai trò cầu nối giữa các địa phương với đối tác nước ngoài; Hỗ trợ các địa phương khai phá những thị trường mới thông qua việc phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa; Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các cam kết quốc tế về hội nhập kinh tế; Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đối ngoại của tỉnh, thành địa phương trong cả nước ngày càng năng động, chuyên nghiệp, hiểu biết và chuyên sâu nhiều lĩnh vực, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0./.