Vai trò điều hành thị trường xăng dầu của Chính phủ Mỹ
VOV.VN - Trong tháng 6, giá xăng dầu tại Mỹ đã tăng lên mức trung bình cao kỷ lục 5,02 đô la Mỹ một gallon, mức tăng cao nhất trong vòng gần 40 năm qua.
Giá xăng dầu được quyết định bằng các yếu tố nào?
Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu trên thị trường quốc tế không do bất cứ chính phủ hay tập đoàn nào kiểm soát, đây là giá thị trường và phụ thuộc chủ yếu vào cung và cầu của từng sản phẩm cụ thể. Các yếu tố như chính sách, chiến tranh, thiên tai… chỉ là các yếu tố có tác động ở từng mức độ cụ thể chứ không phải là các yếu tố có thể quản lý và kiểm soát giá xăng dầu.
Đối với giá xăng dầu bán lẻ ra thị trường cho người tiêu dùng tại Mỹ, giá xăng dầu sẽ chịu tác động từ một số yếu tố chính là chi phí khai thác dầu thô chung toàn cầu chiếm khoảng 61%, chi chí lọc dầu chiếm khoảng 14%, chi phí phân phối và tiếp thị sản phẩm chiếm 11% và cuối cùng là thuế liên bang, thuế bang chiếm khoảng 14%.
Thực tế cho thấy, tại Mỹ, các tổng thống và chính trị gia đều không muốn giá xăng dầu cũng như các loại giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng mạnh trong nhiệm kỳ của mình hoặc trước các kỳ bầu cử quan trọng. Cử tri thường ít có cảm nhận khi một số mặt hàng tiêu dùng hoặc thuế phí tăng nhưng nếu giá xăng dầu hoặc khí đốt tăng thì sẽ phản ứng rất mạnh. Điều này cũng dẫn đến việc thuế phí liên bang và bang tại Mỹ đối với năng lượng gần như không tăng trong gần 30 năm qua.
Như vậy, các chính sách và quy định của Chính phủ trong lĩnh vực xăng dầu có thể có tác động nhưng giá cả của chúng thì phụ thuộc và nguồn cung-cầu và Chính phủ có rất ít quyền kiểm soát. Trong đợt khủng hoảng giá xăng vừa qua tại Mỹ, một trong những biện pháp được coi là mạnh mẽ nhất để giảm nhiệt giá xăng dầu chính là việc Chính quyền Tổng thống Biden đề xuất tạm ngừng đánh thuế liên bang đối với sản phẩm xăng dầu bán ra cho người dân.
Mặc dù Mỹ là nhà sản xuất dầu và các sản phẩm chế biến từ dầu lớn nhất thế giới, nhưng giá nhiên liệu nói chung và tại Mỹ nói riêng cũng chịu ảnh hưởng từ quyết định của các tổ chức quốc tế hoặc các yếu tố chính trị quốc tế, thiên tai.
Ví dụ như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là một tổ chức liên chính phủ của 13 quốc gia, tổ chức này không có ảnh hưởng trực tiếp đến dầu của Mỹ, nhưng do giá dầu do thị trường toàn cầu ấn định và các thành viên OPEC sản xuất khoảng 40% dầu thô của thế giới và xuất khẩu hơn 60% tổng lượng xăng dầu giao dịch quốc tế nên các chính sách của tổ chức này ảnh hưởng gián tiếp đến giá xăng dầu ở Mỹ. Ngoài ra, các yếu tố chính trị như cuộc chiến Nga-Ukraine, khủng hoảng Iran… cũng là những nhân tố ảnh hưởng gián tiếp đến giá cả thị trường dầu mỏ tại Mỹ.
Vai trò quản lý của Chính phủ Mỹ đối với thị trường xăng dầu
Tại Mỹ không có cơ quan hoặc chính sách cụ thể nào quản lý hoặc điều chỉnh ngành công nghiệp và giá cả xăng dầu. Hoạt động quản lý phụ thuộc và quyền sở hữu đất là của tư nhân hoặc của nhà nước và luật pháp, quy định của liên bang hoặc bang. Trong đó, liên bang chủ yếu bảo vệ chất lượng nước, không khí, an toàn cho người lao động, hoạt động thăm dò và sản xuất trên các vùng đất của người Mỹ bản xứ và liên bang. Luật của tiểu bang thường quy định hoạt động thăm dò, khoan và sản xuất xăng dầu.
Tại Mỹ, các nguồn tài nguyên dầu khí nói chung thuộc sở hữu tư nhân, không phải của chính phủ như ở một số nơi khác trên thế giới. Quyền khai thác dầu khí có thể thuộc về các chủ đất tư nhân, các tập đoàn, bộ lạc thổ dân châu Mỹ hoặc chính quyền liên bang, tiểu bang hoặc địa phương sở hữu vùng đất có khoáng sản đó. Các hợp đồng thuê đất tư nhân thường được đàm phán riêng lẻ và bí mật. Các hợp đồng thuê đất công được thực hiện trên quy trình đấu thầu công khai. Theo đó, các thông tin về hoạt động khai thác, giá cả thuê mướn trong các hợp đồng tư nhân được giữ bí mật và ít khi được tiết lộ cho báo giới.
Thực tế giá xăng dầu bán lẻ tại Mỹ cũng thể hiện rõ việc này. Giá cả tại các trạm bán xăng dầu trên khắp nước Mỹ không giống nhau, tại các khu vực trung tâm chi phí thuê mặt bằng cao hơn, mặc dù đông dân cư nhưng giá xăng dầu có thể cao hơn mức trung bình. Giá xăng dầu ở khác khu vực hẻo lánh cũng đắt hơn ở các vùng ngoại ô với dân cư mức độ trung bình. Thậm chí, hai trạm bán xăng dầu thuộc sở hữu của cùng một công ty, ví dụ như của hãng BP hay Exxon chẳng hạn, chỉ cách nhau vài trăm mét nhưng giá bán cũng không giống nhau.
Chính phủ Mỹ quản lý công nghiệp xăng dầu như thế nào?
Thuế xăng dầu và hoạt động thăm dò, sản xuất xăng dầu: Kể từ năm 1993, Mỹ đánh cả thuế liên bang và bang đối với sản phẩm xăng dầu bán ra thị trường. Thuế liên bang bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt cố định 18,3 cent/gallon đối với xăng và 24,3 cent/gallon đối với nhiên liệu diesel, cộng với phí “rò rỉ bể chứa ngầm” 0,1 cent/gallon đối với cả hai loại nhiên liệu trên. Thuế nhiên liệu tại bang thì phụ thuộc vào từng bang bao gồm một số loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường, phí kiểm tra… đã khấu trừ thuế liên bang. Thuế xăng dầu tại các bang dao động từ 0,0895 USD/gallon ở Alaska đến 0,576 USD/gallon ở bang Pennsylvania. Đối với hoạt động khai thác và kinh doanh sản phẩm dầu mỏ và khí đốt, Chính phủ liên bang không đánh thuế mà chỉ từng bang đánh các mức thuế khác nhau, ví dụ như thuế thu nhập địa phương, bang… Cơ quan chịu trách nhiệm trong việc giám sát thuế và tài chính là Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ.
Về hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí: Việc thăm dò, khai thác, sản xuất dầu khí trên đất bang hoặc tư nhân do luật pháp bang quy định. Theo đó, các bang sẽ quản lý các hoạt động khai thác dầu khí trong vùng nước của bang kéo dài trong khoảng 3-9 dặm (5-15km) tính từ bờ. Chính phủ liên bang quản lý hoạt động khai thác dầu khí tại thềm lục địa, tính từ rìa vùng biển của các bang, đất liền và vùng biển do liên bang quản lý. Cơ quan quản lý liên bang đối với các vùng đất liền là Cục quản lý đất đai, thuộc Bộ Nội vụ. Cơ quan quản lý đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí là Cục quản lý năng lượng đại dương, Cục quản lý an toàn và môi trường thuộc Bộ Nội vụ.
Về lĩnh vực hạ nguồn như phân phối, vận chuyển, kinh doanh xăng dầu: Hệ thống luật pháp và quy định trong lĩnh vực này chủ yếu dựa trên các tác động và nguy cơ gây hại cho môi trường, quản lý việc cấp phép xây dựng và vận hành các đường ống dẫn nhiên liệu là chủ yếu, không giám sát hoặc quản lý hoạt động của hệ thống đường ống vận chuyển.
Trong đó, Cơ quan bảo vệ môi trường đặt ra các quy định về hệ thống phân phối như đường ống vận chuyển, xe bồn và các cơ sở phân phối. Cơ quan này cũng quy định về lượng khí thải từ các nhà máy lọc dầu. Trong khi đó, Ủy ban điều tiết năng lượng liên bang là cơ quan quy định việc vận chuyển dầu khí qua các đường ống giữa các bang. Cơ quan quản lý đường sắt liên bang, trực thuộc Bộ giao thông vận tải, là cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn đường sắt, trong đó có vận tải dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ./.