VAMC được bán nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt
VOV.VN-Từ 15/9, Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) sẽ được mua bán nợ xấu vay bằng ngoại tệ, vàng, VND thông qua trái phiếu đặc biệt.
Từ 15/9, Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) sẽ được mua bán nợ xấu vay bằng ngoại tệ, vàng, VND thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt hoặc mua bán theo giá thị trường.
Ngày 6/9 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 19 qui định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); và ngày 9/9, NHNN lại ban hành Thông tư số 20 qui định về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC.
NHNN vừa ban hành nhiều cơ chế đặc biệt cho công ty VAMC |
Đây là hai thông tư hướng dẫn cụ thể việc mua bán, xử lý nợ xấu kể từ khi bắt đầu ký kết hợp đồng mua bán nợ cho đến khi thanh toán chấm dứt hợp đồng mua bán nợ. Trong đó, nêu rõ qui trình và thể thức mua bán nợ từ các tổ chức tín dụng, qui trình và thể thức bán lại nợ xấu từ VAMC cho đối tác thứ ba, nguyên tắc xử lý những vướng mắc phát sinh liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của các bên tham gia mua bán nợ.
VAMC có thể bán nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt
Theo Thông tư 19, một trái phiếu được phát hành tương ứng với một khoản nợ xấu được mua, bán và mệnh giá có giá trị bằng giá mua của các khoản nợ xấu. Các tổ chức tín dụng (TCTD) có tỷ lệ nợ xấu từ 3% so với tổng dư nợ trở lên phải bán nợ cho VAMC.
Trường hợp không bán, NHNN xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát. Trên cơ sở thanh tra, định giá, kiểm toán, NHNN yêu cầu TCTD phải bán nợ cho VAMC. Sau khi mua nợ xấu, VAMC xem xét, điều chỉnh lãi suất đang áp dụng với khoản nợ xấu đã mua về mức lãi suất hợp lý, phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng vay phải có phương án trả nợ khả thi.
VAMC bán nợ xấu đã mua theo hình thức đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh với sự tham gia của ít nhất 3 bên mua không có liên quan với nhau. Trường hợp không thể đấu giá, chào giá cạnh tranh thì VAMC bán khoản nợ xấu trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ.
Theo Thông tư này, VAMC cũng có thể bán nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt hoặc chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu thành vốn điều lệ, vốn cổ phần tại các doanh nghiệp mua nợ. Tuy nhiên, thông tư quy định, tổng mức đầu tư, cung cấp tài chính và bảo lãnh của VAMC đối với một khách hàng không vượt quá 50% vốn điều lệ của VAMC (không quá 250 tỉ đồng).
Tái cấp vốn không vượt quá 70% mệnh giá trái phiếu đặc biệt
Theo quy định tại Thông tư 20, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn hoạt động của tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu.
Mức tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng trên cơ sở mệnh giá trái phiếu đặc biệt do Thống đốc quyết định căn cứ vào mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kết quả trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt và kết quả xử lý nợ xấu nhưng không vượt quá 70% so với mệnh giá trái phiếu đặc biệt.
Lãi suất tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.
Lãi suất tái cấp vốn quá hạn bằng 150% lãi suất tái cấp ghi trên hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước quy định, khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn, tổ chức tín dụng trả hết nợ gốc và lãi cho Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức tín dụng phải chuyển quyền sở hữu các giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch với Ngân hàng Nhà nước thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp không trả được nợ vay tái cấp vốn.
Số tiền dự phòng rủi ro đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt không thấp hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt này. Thời hạn trả nợ trong 5 ngày làm việc kể từ ngày trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt, số tiền trả nợ là số tiền tái cấp vốn đã vay Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở trái phiếu đặc biệt đó.
Trường hợp khoản vay tái cấp vốn đến hạn, tổ chức tín dụng không trả được nợ và không được Ngân hàng Nhà nước gia hạn thì Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp chuyển khoản nợ của tổ chức tín dụng sang nợ quá hạn và áp dụng theo mức lãi suất tái cấp vốn quá hạn, kể từ ngày quá hạn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp thu hồi nợ như trích tài khoản tiền gửi của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu VAMC sử dụng số tiền thu hồi mà tổ chức tín dụng được hưởng từ các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt để trả nợ vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng chuyển quyền sở hữu cho Ngân hàng Nhà nước đối với các giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch với Ngân hàng Nhà nước thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng và thực hiện các thủ tục để chuyển khoản tái cấp vốn thành khoản cho vay đặc biệt hoặc thành khoản góp vốn, mua cổ phần của Ngân hàng Nhà nước tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Cả hai Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2013./.