Vẫn còn tồn đọng lượng lớn vốn Nhà nước tại 5 lĩnh vực nhạy cảm
VOV.VN -Trong 6 năm, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã thoái hơn 11.500 tỷ đồng vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm.
Tuy nhiên, số tiền thu về còn thấp, lượng vốn tồn đọng trong các lĩnh vực này vẫn lớn. Thông tin này được đưa ra tại họp báo chuyên đề về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước do Bộ Tài chính tổ chức chiều nay tại Hà Nội.
Theo Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2015, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã thoái hơn 11.500 tỷ đồng vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư.
Tuy nhiên, số tiền thu về lại thấp hơn giá trị đã đầu tư, chỉ 11.192 tỷ đồng. Nguyên nhân thất thoát vốn khi thoái là vướng khoản đầu tư 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), của Tổng công ty Lương thực miền Nam; tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) sau khi hai ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Trả lời về trách nhiệm của các bên liên quan để ra thất thoát vốn Nhà nước khi đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định đó là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.
Tại OceanBank và Tập đoàn Dầu khí quốc gia, người đứng đầu tại hai đơn vị này đã bị bắt. Trong khi đó, tại Tổng công ty Lương thực miền Nam, cơ quan chức năng cũng đang trong quá trình điều tra. Theo Cục Tài chính Doanh nghiệp, ngoài hơn 11.500 tỷ đồng thoái thành công trong 6 năm qua, vẫn còn đọng lượng lớn vốn Nhà nước tại 5 lĩnh vực nhạy cảm. Vấn đề xử lý trách nhiệm cũng sẽ được làm rõ.
Ông Đặng Quyết Tiến nói: Việc thoái vốn trong 5 lĩnh vực nhạy cảm con số vẫn thấp. Những doanh nghiệp đầu tư hiệu quả thì thoái hết rồi. Còn lại năm 2016 này vẫn phải thoái, thậm chí là cắt lỗ. Ngược lại ở khu vực SCIC thoái vốn 1.578 tỷ đồng thu về hơn 2.278 tỷ đồng. Có thể thấy ở SCIC sau khi củng cố, rà soát lại doanh nghiệp thì con số tích cực hơn.”
Họp báo chuyên đề về tái cơ cấu DNNN |
Tại buổi hop báo, Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2011-2015, đã sắp xếp 588 doanh nghiệp, trong đó hơn 500 đơn vị cổ phần hoá với giá trị thực tế là hơn 760.000 tỷ đồng. Riêng Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong năm 2016 cũng bán vốn tại 67 doanh nghiệp với giá trị 1.577 tỷ đồng, thu về hơn 4.100 tỷ đồng. Số liệu này chưa tính khoản bán đấu giá cổ phần của Vinamilk do đơn vị trúng thầu chưa hoàn tất việc chuyển tiền đấu giá.
Để tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính cho rằng cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước; Đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Bên cạnh đó cần xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện hoặc không thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong việc quản lý điều hành doanh nghiệp. Hiện, Chính phủ rất quyết liệt trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, có quy định trong vòng 18 tháng, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải niêm yết ngay, nếu không thì sẽ xử phạt mạnh, để các đơn vị nghiêm túc thực hiện./.