Vẫn nhiều rào cản phát triển nông nghiệp hữu cơ
VOV.VN - Trên thị trường vẫn còn nhiều sản phẩm hữu cơ nhái nhãn mác, không đảm bảo an toàn thực phẩm, hoặc chưa phù hợp với các tiêu chuẩn...
Ngày 31/8, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp Dự án hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu tổ chức hội thảo “Khuyến nghị chính sách quản lý và phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần những chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và xã hội. Đồng thời, đây còn là thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững và nâng cao giá trị.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu. |
Ông Nguyễn Tường Minh, phụ trách kỹ thuật hữu cơ của trang trại Đồng quê Ba Vì, TP Hà Nội nêu ý kiến, hiện vẫn chưa có nhiều cửa hàng hoặc chợ đầu mối nông nghiệp hữu cơ; sản phẩm hữu cơ còn bày bán lẫn lộn với sản phẩm sạch và sản phẩm thông thường khiến người tiêu dùng băn khoăn về nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đó, các trung tâm chứng nhận sản phẩm hữu cơ của doanh nghiệp cũng mới được thành lập nên chưa tạo được niềm tin của người tiêu dùng, trong khi đó thông dụng trên thế giới hiện nay vẫn là những chứng nhận hữu cơ của nước ngoài (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước Liên minh châu Âu).
Ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, nếu chưa có hành lang pháp lý sẽ không khuyến khích sản xuất và hình thành chuỗi giá trị về nông nghiệp hữu cơ. Do vậy, cần đầu tư cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác xã hữu cơ, hỗ trợ trực tiếp cho các tổ hợp tác, hợp tác xã có nhu cầu chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn chuyển đổi, đặc biệt về đất đai, đào tạo và vay vốn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã.
“Muốn phát triển nông nghiệp hữu cơ phải xây dựng hành lang pháp lý. Hiện Liên đoàn quốc tế về các phong trào nông nghiệp hữu cơ vẫn xếp Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất hữu cơ nhưng chúng ta lại chưa có hành lang pháp lý. Các doanh nghiệp hiện nay, muốn phát triển thì cần đến hành lang pháp lý để đảm bảo quản lý và năng lực sản xuất chân chính, lợi ích của người tiêu dùng và bảo vệ uy tín thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”, ông Hồng nêu rõ.
Tại Việt Nam, đến năm 2015 diện tích đất nông nghiệp hữu cơ đạt hơn 76.000 ha, tương đương 0,7% diện tích đất nông nghiệp; tăng 3,6 lần so với năm 2010, với số lượng nông dân tham gia sản xuất hữu cơ hơn 3.800 người.
Sản phẩm hữu cơ của Việt Nam đã được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ công nhận gồm: gạo, tôm, dừa, ca cao, cà phê, sữa, chè, rau quả, một số cây dược liệu…/.
Nhập nhèm thực phẩm hữu cơ