Vàng giảm giá - chưa vội mừng?
VOV.VN - Vàng giảm là dấu hiệu tốt nhưng theo phân tích của các chuyên gia, vẫn chưa thể vội mừng.
Tuần qua, giá vàng trong nước liên tục giảm theo xu hướng của giá vàng thế giới, khoảng cách giữa giá trong nước và giá thế giới thu hẹp dần còn hơn 3 triệu đồng/lượng. Đây là dấu hiệu tốt nhưng theo phân tích của các chuyên gia, vẫn chưa thể vội mừng.
36.500.000 đồng (giá vàng ngày 12/11/2013) là mức giá thấp nhất trong vòng 5 tháng qua của vàng, kể từ sau khi giá vàng trong nước xuống tới mức 35.400.000 đồng ngày 28/6.
Hiện nhu cầu mua vàng của dân tăng nhu cầu như không có giao dịch vàng miếng |
Điều quan trọng hơn là giá vàng trong nước giảm theo đúng xu hướng của giá thế giới với khoảng cách chênh lệch thu hẹp dần.
Trên thị trường tự do, không còn hiện tượng “sốt vàng” và cũng không còn cảnh người dân chờ xếp hàng đi mua vàng như thời gian trước. Tại các tuyến phố kinh doanh vàng ở Hà Nội, giao dịch không còn sôi động như trước, mà chủ yếu là các giao dịch nhỏ lẻ, theo nhu cầu cá nhân. Đại diện nhiều chủ cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội cho biết, hiện nay nhu cầu mua và bán vàng của người dân khá cân bằng. Tuy nhiên, do đây là thời điểm cuối năm, cùng với việc giá vàng trong xu hướng liên tục giảm nên nhu cầu mua vàng của người dân đang tăng lên một chút so với vài tháng trước, nhưng chủ yếu giao dịch vẫn là vàng nhẫn, hầu như không có giao dịch vàng miếng.
Thực tế này chứng tỏ các giải pháp quản lý thị trường vàng thời gian vừa qua đã đi đúng hướng. Trước thực tế này, đã có những ý kiến cho rằng nên trả hoạt động kinh doanh vàng lại cho thị trường và tiến thới việc thành lập sàn vàng quốc gia. Đại diện cho quan điểm coi vàng như một hàng hóa bình thường, tránh can thiệp bằng giải pháp hành chính mà chỉ nên đưa ra những điều kiện bắt buộc tuân thủ khi tham gia thị trường vàng,
TS Ngô Trí Long, chuyên gia thị trường giá cả, cho rằng: “Thực ra không phải đến bây giờ mà theo tôi việc này nên làm từ lâu rồi. Nên cho doanh nghiệp chủ động kinh doanh, coi vàng là một loại hàng hóa bình thường nhưng có cơ chế quản lý riêng và nên thành lập sàn vàng quốc gia”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính khác, những gì đạt được mới chỉ là thành quả bước đầu của 18 tháng triển khai Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng, chưa phải là thành quả vững chắc, nhất là khi tâm lý sử dụng vàng như một phương tiện tích trữ vẫn còn rất mạnh ở trong dân. Câu chuyện sàn vàng quốc gia một lần nữa được các chuyên gia tài chính nhắc lại khi mọi yếu tố cần thiết để thành lập sàn vàng được coi là đã chín muồi: hàng hóa, người kinh doanh, cơ chế quản lý đều đã sẵn sàng. Tuy nhiên, theo phân tích của các cán bộ trong giới ngân hàng, nếu như thành lập sàn vàng bây giờ thì khâu quản lý sẽ rất khó, không khác nào “thả gà ra đuổi”.
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng: Trung Quốc là quốc gia khai thác vàng, nhưng để tự do hóa hoạt động kinh doanh vàng thì phải mất tới 50 năm. “Việt Nam đã từng có hai giai đoạn thả nổi thị trường vàng, đó là 2007 - 2009 và 2009 - 2012. Hậu quả của sự thả nổi này chúng ta đều thấy rõ. Vì vậy chưa nên thả nổi thị trường vàng vào thời điểm hiện nay” - TS Lê Thẩm Dương phân tích.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2013 của Chính phủ, chỉ số giá vàng tháng 9/2013 đã giảm 18,6% so với tháng 12/2012 và giảm 16,13% so với cùng kỳ năm trước. Để tiếp tục duy trì kết quả này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đề xuất: Nên tiếp tục những giải pháp quản lý như thời gian vừa qua, tiếp tục củng cố niềm tin của người dân vào đồng tiền Việt Nam cũng như giảm tâm lý vàng hóa thì mới có thể coi là thành công trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng.
Hoạt động đấu thầu vàng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước duy trì với hiệu quả cao. Theo số liệu của cơ quan này, tổng mức chào thầu của 69 phiên, với khối lượng trúng thầu đạt 14.800/15.000 lượng chào thầu. Từ ngày 28/3/2013 đến 8/11/2013, NHNN đã tổ chức 69 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.711.100 lượng trên tổng số 1.822.000 lượng chào thầu./.