VASEP cần 2.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp cá tra

Ngành hàng sản xuất chế biến cá tra đang đối diện nguy cơ đổ bể khi cả doanh nghiệp lẫn người nuôi không còn vốn để hoạt động.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản rơi vào tình trạng khó khăn trong thời gian qua một phần do không có khả năng quản trị vốn vay.

Do vậy, trong thời gian tới, doanh nghiệp thủy sản mong muốn được ngân hàng hỗ trợ quản lý vốn vay để có thể hoạt động có hiệu quả. Bằng cách này, ngân hàng sẽ giúp đỡ doanh nghiệp sử dụng đồng vốn hiệu quả, ngăn ngừa rủi ro về tín dụng, tài chính.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt cho biết, ngành hàng sản xuất chế biến cá tra đang đối diện nguy cơ đổ bể khi cả doanh nghiệp lẫn người nuôi không còn vốn để hoạt động.

Vụ việc thiếu nợ kéo dài của công ty thủy sản Bình An (Bianfishco) đã khiến ngân hàng thận trọng hơn đối với các doanh nghiệp thuỷ sản và lập tức thu hồi hạn mức cho vay và buộc các công ty giảm dư nợ. Không có tiền để tái đầu tư, sắp tới nhiều công ty sẽ mất cân đối nguyên liệu nghiêm trọng.

Theo VASEP, hiện có đến hơn 90% số doanh nghiệp mong muốn được tăng hạn mức vay vốn, mức thấp nhất là 10 tỉ đồng và cao nhất lên đến 1.400 tỉ đồng nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động cho chế biến cá tra xuất khẩu.

Trong đó, 92,3% số doanh nghiệp thuộc VASEP có nhu cầu vay vốn khẩn cấp trong quý II/2012, trong đó mức thấp nhất là 10 tỉ đồng và cao nhất là 500 tỉ đồng.

Được biết, để thả nuôi 1 ha cá tra, phải mất khoảng 8 tỷ đồng, trong đó người nuôi chỉ có khoảng 5% vốn, còn lại 95% vay ngân hàng. Giờ ngân hàng đóng cửa với cả nông dân lẫn doanh nghiệp, người nuôi “treo ao”.

Tại hội nghị về sản xuất xuất khẩu cá tra diễn ra ngày 17/4, VASEP cho biết, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người nuôi các tra đang hết sức khó khăn và cần khoảng 2.000 tỷ đồng để cứu cả doanh nghiệp lẫn người nuôi cá tra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên