Vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy: Ngày 15/3 tư vấn sẽ có báo cáo
VOV.VN -Theo chuyên gia, độ mở rộng của vết nứt tại vị trí trị T22 lớn hơn mức cho phép nên cần sớm tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục
Những ngày qua, thông tin về vết nứt tại các trụ cầu Vĩnh Tuy khiến dư luận hết sức lo lắng.
Liên quan đến vụ việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, làm rõ và xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, các đơn vị có liên quan phải có câu trả lời chính xác nguyên nhân gây ra vết nứt và sự an toàn của cây cầu; Cùng với đó, cần phải thuê tư vấn độc lập đánh giá lại nguyên nhân gây nứt, khẩn trương có biện pháp xử lý vết nứt để người dân yên tâm khi lưu thông qua cây cầu này.
Được biết, Trường Giao thông Vận tải đã được chọn làm tư vấn độc lập xác định nguyên nhân vết nứt và tìm biện pháp khắc phục.
Sự quan tâm vào cuộc kịp thời của Chính phủ cũng như các Bộ ngành đã phần nào trấn an dư luận. Tuy vậy, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để trả lời được chính xác nguyên nhân gây ra vết nứt và xử lý nó như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng đơn vị tư vấn độc lập cần thực hiện 4 nội dung gồm: Siêu âm độ sâu và độ mở rộng vết nứt; Khoan mẫu bê tông để thử cường độ chịu lực; Đục lỗ xem sắt bên trong có bị hoen gỉ không; Đào dưới chân cột xem vết nứt sâu đến đâu cùng với đó là đo độ cao của vết nứt phần phía trên cột.
Theo tiến độ, ngày 15/3 Tư vấn độc lập sẽ có báo cáo kết quả khảo sát.
Cận cảnh vết nứt tại trụ cầu T22 (ảnh: Lao Động) |
Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng thuộc tuyến vành đai 2 có chiều dài toàn bộ tuyến dự án là gần 8,5 km. Vết nứt dọc nằm tại vị trí trụ T22, thuộc gói thầu số 12.
Theo một chuyên gia thuộc trường Đại học giao thông: Vết nứt trong kết cấu bê tông cốt thép thường là bình thường (theo quy trình thiết kế cho phép nứt). Tuy nhiên độ mở rộng của vết nứt tại vị trí trị T22 lớn hơn mức cho phép nên cần phải tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Trước đó, một cán bộ thuộc Sở Giao thông Vận tải đã có phát biểu cho rằng cầu bị nứt do co ngót bê tông. Ngay sau phát biểu này, có nhiều câu hỏi được đặt ra: tại sao nó không bị nứt từ những năm đầu mới đưa vào khai thác mà phải đến 5 năm sau mới bị nứt? Và tại sao những trụ cầu khác không bị nứt mà chỉ có trụ đó bị nứt?...
Trả lời các câu hỏi này, vị chuyên gia của Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng: Vết nứt trong bê tông có khi hình thành ngay trong khi thi công, có khi trong giai đoạn khai thác theo thời gian (từ chuyên môn gọi là "từ biến"). Theo khảo sát sơ bộ thì các trụ khác của cầu Vĩnh Tuy cũng có nứt (vì vết nứt là đương nhiên). Tuy nhiên vết nứt của trụ T22 là lớn nhất và vượt qua giới hạn cho phép theo trạng thái giới hạn sử dụng (không phải là trạng thái giới hạn cực hạn gây sập cầu).
Khi được đặt giả thiết, nếu nguyên nhân vết nứt do co ngót bê tông, vị chuyên gia này cho rằng việc xử lý khắc phục sẽ đơn giản hơn.
Nhưng nếu do các nguyên nhân khác như từ chịu lực, lún cọc... thì việc xử lý khó hơn và rất tốn kém.
Vị chuyên gia này còn cho rằng, nhiều khả năng vết nứt không phải do trụ bị lún do cọc vì nếu như vậy dầm cầu chắc chắn cũng bị nứt.
Về nghi vấn cho rằng, đơn vị thi công đã xây gạch bên trong, vị chuyên gia này khẳng định: Đơn vị thi công có thể xây gạch làm ván khuôn trong (trụ rỗng bên trong) hoặc các bộ phận phụ trợ. Không thợ cầu nào xây gạch làm trụ chịu lực chính như trụ T22.
Đơn vị tư vấn độc lập đang thu thập hồ sơ, biên bản nghiệm thu của tư vấn Giám sát để làm tài liệu đối chiếu./.