Vì sao các cụm công nghiệp vẫn vắng nhà đầu tư?

Thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp là nguyên nhân khiến không nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào xây dựng các cụm công nghiệp.

Cơ chế, chính sách thiếu hấp dẫn

Khoảng 10 năm trở lại đây, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển các cụm công nghiệp. Điều này được thể hiện trong các Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…

Tại các địa phương cũng có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ để phát triển các ngành công nghiệp nói chung, trong đó có cụm công nghiệp. Cơ chế hỗ trợ của các địa phương tập trung vào các nội dung: Hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu như điện, cấp thoát nước, đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc; hỗ trợ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng; hỗ trợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển; các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp…

Tuy nhiên, do ngân sách địa phương hạn chế, lại chưa có quy định thống nhất của Trung ương nên tại các tỉnh, mức hỗ trợ còn rất thấp so với nhu cầu (mức hỗ trợ 6 tỷ đồng cho 1 cụm công nghiệp 50ha chỉ chiếm khoảng 6% tổng số vốn xây dựng hạ tầng cần có).

Thêm vào đó, việc đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp cũng còn nhiều vấn đề cần bàn. Ở nhiều cụm công nghiệp, nhà đầu tư phải tự làm hạ tầng ngoài hàng rào, địa phương chỉ hỗ trợ một phần hoặc trừ vào tiền thuê đất. Điều này đã khiến các cụm công nghiệp không chỉ khó thu hút nhà đầu tư mà thời gian xây dựng hạ tầng tại các cụm công nghiệp cũng thường bị kéo dài từ 3-5 năm.

Đa phần các cụm công nghiệp tới nay cũng chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo nội dung quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt. Phần lớn các cụm công nghiệp, kể cả những cụm công nghiệp ở gần khu dân cư, làng nghề vẫn không có hệ thống công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung (ngay tại Hà Nội cũng chỉ có 5/103 cụm có hệ thống xử lý nước thải tập trung). Do vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Gần 3/4 diện tích các cụm công nghiệp vẫn trống

Không giống các khu công nghiệp, hầu hết các cụm công nghiệp thường nằm ở các vị trí không thuận lợi về giao thông, hạ tầng chưa phát triển… Theo báo cáo của các địa phương, đến 31/12/2009, cả nước đã quy hoạch phát triển gần 1.900 cụm công nghiệp với diện tích đất tương ứng 76.520ha. Trong đó, có 918 cụm công nghiệp đã được thành lập và đang hoạt động với diện tích đất tương đương 40.597ha. Tuy nhiên, diện tích đất đã cho thuê mới chỉ chiếm 26,4% diện tích của các cụm công nghiệp này.

Theo ông Trần Duy Đông, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỷ lệ thuê đất này là quá thấp so với con số thuê bình quân là 50% diện tích tại các khu công nghiệp. Điều này sẽ khiến các cụm công nghiệp không thể hoạt động có hiệu quả. Ông Đông cho rằng: Các quy định đối với việc thành lập cụm công nghiệp cần phải chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cần định hướng sử dụng vào việc xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải.

Cùng chung ý kiến trên, đại diện Sở Công thương tỉnh Thái Bình cho rằng, thay vì hỗ trợ cho nhiều cụm công nghiệp mọc lên tại các tỉnh, thì nên tăng mức hỗ trợ để xây dựng nên những cụm “ra tấm, ra món”.

Còn theo ông Lê Huy Nhỡn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên, với mục đích thu hút các các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn thì các quy định về cụm công nghiệp cũng cần linh hoạt hơn để những nơi thực sự cần hỗ trợ sẽ tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ.

Ông Nhỡn đơn cử Thái Nguyên là một ví dụ, nếu theo số liệu thì đây là tỉnh có ngành công nghiệp phát triển. Nhưng trên thực tế, các nhà máy của Trung ương chiếm tới 70% công nghiệp trên địa bàn tỉnh. 30% công nghiệp địa phương thực sự rất khó khăn thì lại không được hỗ trợ.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam nêu ý kiến: Thay vì lại ban hành quyết định về hỗ trợ cho cụm công nghiệp (Bộ Công thương đang soạn thảo - PV), thì nên tập hợp tất cả những văn bản đã có thành một Nghị định để có giá trị pháp lý cao hơn cũng như thuận tiện hơn cho việc thực hiện đối với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngoài hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất cũng cần được hỗ trợ khi di dời. “Di dời vào cụm công nghiệp, chi phí các doanh nghiệp phải trả lớn hơn rất nhiều so với tự thuê đất ở bên ngoài hay tận dụng sản xuất ngay tại hộ gia đình”, ông Tuấn dẫn chứng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên