Vì sao châu Âu phản đối ý định trưng cầu ý dân của Hy Lạp
VOV.VN - Thông qua cuộc trưng cầu ý dân này, người dân Hy Lạp rất có thể sẽ chấp nhận với đề xuất cải cách của các chủ nợ để nhận được gói cứu trợ.
Sáng sớm nay (28/6 – theo giờ Việt Nam), Quốc hội Hy Lạp đã bỏ phiếu thông qua đề nghị của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tổ chức trưng cầu ý dân về đề xuất “cải cách để đổi lấy tiền cứu trợ” của các chủ nợ, vào ngày 5/7 tới. Quyết định trên của Hy Lạp ngay lập tức gây sốc đối với các chủ nợ trong bối cảnh cuộc đàm phán giữa Hy Lạp với các đối tác kéo dài nhiều tháng này vẫn chưa mang lại kết quả.
Với ít nhất 179 phiếu thuận trong tổng số 300 phiếu thành viên quốc hội, các nghị sĩ Hy Lạp đã quyết định ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Tsipras mở đường cho cuộc trưng cầu ý dân chắc chắn diễn ra vào ngày 5/7 tới. Quyết định trên của ông Tsipras được đưa ra sau khi các chủ nợ mới đây đã thẳng thừng từ chối gia hạn chương trình cứu trợ cho Hy Lạp, dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 30/6 tới.
Người dân Hy Lạp đã quá mệt mỏi với các chính sách thắt lưng buộc bụng. (Ảnh: Internet) |
Quyết định trên của Hy Lạp đã ngay lập tức gây sốc với không chỉ các chủ nợ mà ngay cả với người dân Hy Lạp. Ngay khi ông Tsipras mới chỉ manh nha đưa ra đề xuất trên, nhiều người dân Hy Lạp đã đổ về các ngân hàng để rút tiền, do lo ngại một cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ đến với Hy Lạp trong một vài giờ tới.
Còn đối với các chủ nợ, đề xuất của Thủ tướng Hy Lạp được xem như một gáo nước lạnh đối với họ. Các ý kiến trái chiều lập tức được đưa ra. Có một số ý kiến cho rằng, châu Âu cần chuẩn bị phương án B đối với vấn đề Hy Lạp, đồng nghĩa với việc không đạt được thỏa thuận với Hy Lạp và nước này có thể sẽ rút khỏi Eurozone.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, châu Âu nên cân nhắc lại về đề xuất của Hy Lạp để giữ nước này ở lại châu Âu.
Bộ trưởng Tài chính Hà Lan - Jeroen Dijsselbloem, người đang giữ chức Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup), dù bày tỏ thất vọng trước việc Hy Lạp quyết định sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về chương trình cải cách, nhằm đổi lấy khoản cứu trợ quốc tế trong tương lai dành cho nước này, song ông này vẫn khẳng định: Châu Âu sẵn sàng triệu tập lại cuộc họp để đưa ra các quyết định cần thiết phục vụ cho lợi ích của Hy Lạp, một quốc gia thành viên của khu vực:
“Chúng tôi vẫn để ngỏ cánh cửa đối với Hy Lạp. Không phải các thể chế rời bỏ đàm phán mà chính Chính phủ Hy Lạp đã làm như vậy. Chúng tôi cũng không hề nói đàm phán đã kết thúc theo cách tiêu cực, chính Chính phủ Hy Lạp đã nói rằng những nội dung của đàm phán chỉ đáng trả lời là không. Quá trình đàm phán sẽ không kết thúc và nó sẽ không bao giờ kết thúc. Chúng tôi sẽ làm việc với phía Hy Lạp”, ông Jeroen Dijsselbloem nêu rõ.
Cùng chung quan điểm với ông Dijsselbloem, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cũng đã kêu gọi châu Âu cần giữ Hy Lạp ở lại Eurozone và Pháp sẵn sàng để khởi động lại các cuộc đàm phán với Hy Lạp.
“Hy Lạp vẫn là một thành viên của khu vực đồng tiền chung. Đồng tiền của Hy Lạp vẫn là đồng euro. Vận mệnh của Hy Lạp là phải ở lại Eurozone. Chẳng có quốc gia nào, đặc biệt là Pháp muốn Hy Lạp rời khỏi Eurozone”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin khẳng định.
Có thể lý giải tại sao châu Âu lại kiên quyết phản đối ý định trưng cầu ý dân với Hy Lạp đến vậy, dù các cuộc đàm phán đã kéo dài nhiều tháng nay. Bởi lẽ, tham gia cuộc trưng cầu ý dân này, người dân Hy Lạp sẽ phải trả lời cho câu hỏi là liệu Hy Lạp có chấp nhận với đề xuất cải cách của các chủ nợ để nhận được gói cứu trợ hay không.
Theo đánh giá của giới phân tích, câu trả lời này phần nhiều sẽ là có. Bởi nhiều người dân Hy Lạp đã quá mệt mỏi với các chính sách thắt lưng buộc bụng, đang tác động mạnh hàng ngày, hàng giờ tới cuộc sống của họ trong thời gian qua. Và đó cũng là lý do tại sao, người dân Hy Lạp lại bỏ phiếu cho đảng của ông Tsipras./.