Vì sao chưa thể xây dựng thương hiệu trái cây “Made in Vietnam”
VOV.VN - Việt Nam có hơn 1,2 triệu ha diện tích trồng cây ăn trái, các vùng trọng điểm là Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Hiện trái cây Việt Nam đã hiện diện tại 60 thị trường trên thế giới và ngành hàng này đang còn nhiều dư địa, cơ hội lớn để chinh phục các thị trường tiềm năng khác.
Ngành hàng trái cây Việt Nam đang đứng trước những thách thức về thị hiếu, nhu cầu thị trường, trách nhiệm xã hội và cam kết quốc tế. Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với gần 400.000 ha cây ăn trái, đóng góp lớn vào xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế sản xuất đã bộc lộ những điểm “yếu” khi chuỗi liên kết lỏng lẻo, xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô, giá trị thấp so với sản phẩm cùng loại của các nước, điều này đã và đang làm giảm sức cạnh tranh của ngành hàng trái cây vùng ĐBSCL chưa thể xây dựng thương hiệu trái cây “Made in Vietnam”.
Hiện vùng ĐBSCL đang nắm giữ nhiều loại trái cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, xoài, bưởi, nhãn, vú sữa. dừa… những loại trái cây này đã và đang xuất khẩu nhiều thị trường trên thế giới, kể các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này đã chứng minh quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được hình thành ở các vùng trồng cây ăn trái ở các địa phương.
Nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân và HTX trồng cây ăn trái, tiếp cận các doanh nghiệp xuất khẩu ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: “Các địa phương có những chương trình để tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất dễ dàng, thực hiện truy xuất nguồn gốc, tham gia các sàn thương mại điện tử hoặc là các hội chợ trong và ngoài nước để bán hàng, để giới thiệu về hàng hóa. Từ đó sẽ tạo ra một thương hiệu của vùng nguyên liệu, từ những cái thương hiệu của vùng nguyên liệu của địa phương nó sẽ hình thành lên một thương hiệu quốc gia và có khi mà hàng hóa có thương hiệu quốc gia thì chúng ta không sợ và không có người mua, không có thị trường”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng trái cây của ĐBSCL chiếm khoảng 70% sản lượng của cả nước, nhưng về giá trị xuất khẩu thì chưa đem lại giá trị lớn. Hiện trái cây ĐBSCL chủ yếu xuất khẩu ở dạng tươi, giá trị kinh tế chưa cao. Những quy định về xuất khẩu trái cây tươi vào các thị trường đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng, cơ sở nhà đóng gói. Bên cạnh đó, từng thị trường nhập khẩu cũng đưa những yêu cầu, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thực phẩm khác nhau. Vì vậy, phải hiểu rõ những quy định của từng thị trường trước khi xuất khẩu.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu II-Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Yêu cầu nhập khẩu của các nước chúng ta phải phân ra thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất đạt yêu cầu cơ bản không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước người ta cấm và không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì chúng ta được phép cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật để xuất khẩu. Nhóm thứ hai là nhóm thị trường các nước khó tính có yêu cầu về xử lý kiểm dịch thực vật, tùy vào mục tiêu chúng ta muốn xuất sang thị trường nào thì chúng ta phải đáp ứng được các điều kiện mà thị trường đó quy định”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký hiệp hội rau quả Việt Nam khó khăn lớn nhất của xuất khẩu trái cây khu vực ĐBSCL là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún và phân tán. Ở nhiều nơi quy trình bảo quản sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, quy hoạch hệ thống kho bảo quản, nhà máy chế biến cũng còn khó khăn khâu tổ chức liên kết xây dựng chuỗi giá trị còn yếu, cơ sở sơ chế, đóng gói; phân phối tiêu thụ… chưa được chuyên nghiệp… Bên cạnh những khó khăn chủ quan mà ngành hàng trái cây đang gặp phải thì một trong những thách thức rất lớn trong quá trình sản xuất trái cây đạt chất lượng xuất khẩu còn là vấn đề biến đổi khí hậu.
“Vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề rất phức tạp đối với khu vực ĐBSCL; tác động của biến đội khi hậu là khô hạn, mặn xâm nhập, khi mà tác động của khô hạn ảnh hưởng rất là nghiêm trọng đến cây ăn trái” - ông Nguyễn Văn Mười nói.
Hiện nay diện tích cây ăn trái ở khu vực ĐBSCL khoảng 370.000 ha. Là vùng sản xuất và xuất khẩu trái cây lớn của Việt Nam nhưng ngành hàng trái cây ở ĐBSCL vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập từ tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, tính bền vững không cao, khâu chế biến và bảo quản chưa đảm bảo đúng quy trình, chưa hình thành được nhiều vùng chuyên canh tập trung, sự gắn kết giữa người dân, doanh nghiệp trong bao tiêu, xuất khẩu rất mong manh đã khiến cho ngành hàng trái cây “bấp bênh”, khó tiếp cận các thị trường cao cấp.
Trong phần bài 2 của loạt bài “Để miền trái ngọt vươn mình bứt phá”, VOV ĐBSCL sẽ phân tích những bấp cập của ngành hàng trái cây vùng ĐBSCL trong sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xuất khẩu.