Trước thực trạng giá vàng trong nước thường cao hơn giá vàng thế giới, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2012. Nghị định này ra đời nhằm giảm thiểu mức độ chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới, chấm dứt tình trạng đầu cơ, thao túng trên thị trường vàng từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, thực tế lâu nay giá vàng trong nước sau khi quy đổi luôn cao hơn giá vàng thế giới, kể cả sau khi Nghị định 24 có hiệu lực. Hiện tại, giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới gần 3 triệu đồng/lượng. Cụ thể, giá giá vàng SJC của công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết tại TP Hồ Chí Minh bán ra lúc 10h30 là 47,77 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới chỉ đang ở mức 1.772,48 USD/oz (tương đương khoảng 45 triệu đồng/lượng, đã tính phí).
Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh vàng của SJC cho biết lượng vàng bán ra hôm 2/10 chỉ khoảng 1.700 lượng, rất thấp so với con số tháng trước, nhưng một phần do công ty này không dễ mua vàng vào nên số lượng bán ra cũng phải hạn chế.
Hơn nữa, việc người dân mua vàng nhiều là do giá vàng đã tăng khá mạnh trong 2 tháng qua, mức tăng là hơn 14%, khá hấp dẫn so với lãi tiền gửi của ngân hàng trong thời điểm hiện tại, còn chứng khoán cũng rất bất thường. Trong khi đó, nhu cầu mua vàng của các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Trong khi giá vàng vẫn đang rất cao so với giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước chủ trương “bơm” thêm vào thị trường 350.000 lượng vàng SJC (tương đương 13 tấn) với kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực mất cân đối cung - cầu cho thị trường này.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chủ trương trên sẽ khó mang lại hiệu quả như mong muốn. Thậm chí, trả lời báo giới, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam còn cho rằng, động thái trên sẽ không mang lại giá trị.
Ông Trúc còn phân tích: Mục tiêu bơm 350.000 lượng vàng SJC vào thị trường thực tế là nhằm giảm mức chênh lệch giữa cung và cầu. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, số vàng trên là lượng vàng miếng SJC móp méo và vàng miếng phi SJC mà các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng đề nghị Ngân hàng Nhà nước gia công.
“Như vậy, cung cầu trên thị trường hoàn toàn không có gì thay đổi, nên hiện tượng chênh lệch giá vàng sẽ khó thay đổi” - ông Trúc nhấm mạnh./.