Vì sao người dân Tây Bắc phản đối xây dựng thủy điện vừa và nhỏ?

VOV.VN - Nhiều người dân không đồng tình, ủng hộ việc xây dựng nhà máy thủy điện tại địa phương. Các chủ dự án đã làm sai, thất hứa khi dự án đi vào phát điện.

>> Bài 1: Thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Bắc: Hết thời “gà đẻ trứng vàng”

Người dân 5 xã dọc theo con suối Tấc, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La vô cùng băn khoăn lo lắng khi dự án thủy điện Quang Huy đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, với quy mô công suất thiết kế 12MW, xây dựng ở đầu nguồn con suối Tấc. Họ hiểu rằng, khi công trình hoàn thành đi vào phát điện sẽ gây ra lũ lụt, hạn hán và thiếu nước sản xuất cho cánh đồng Mường Tấc. Vì thế bà con không đồng tình. 

Trung tâm xã Bản Hồ có tới 8 thủy điện bủa vây xung quanh.

“Quả thật là người dân không mong muốn làm thủy điện, vì sợ suối không có nước nữa. Thời gian vừa qua, với những công trình đã làm thì dân thấy rồi, nhiều nơi bị cạn nước. Nếu bây giờ làm đập lên trên con suối Tấc thì chắc nước sẽ thiếu hạn nên dân không đồng ý tí nào”,một người dân bên dòng suối Tấc cho biết.

Là xã có tới 8 thủy điện nhỏ, nhưng người dân Bản Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai chưa bao giờ tự hào về thủy điện. Vì thủy điện đã lấy đi của họ tất cả.

Ông Đào A Khởi, Chủ tịch UBND xã nhẩm tính, trung bình cả nhỏ và vừa, mỗi thủy điện lấy khoảng 5ha đất, Bản Hồ mất khoảng 40ha, toàn đất hai bên suối là những vị trí đẹp người dân dựng nhà, canh tác lâu đời. Cay đắng thay, khi chuẩn bị triển khai dự án, các dự án đều phối hợp “dân vận” rất tốt, nhưng khi đi vào hoạt động rồi thì những bờ đập sừng sững như thể bất khả xâm phạm kia bỗng dưng là bức tường cách biệt hẳn trong mối quan hệ với địa phương, ngay cả lãnh đạo xã muốn gặp cũng khó. Còn người dân, dần già chẳng còn ai muốn nhìn thấy cán bộ thủy điện nữa.

“Nói thật là khi nhà máy cần thì liên lạc với cấp ủy chính quyền xã, còn ngược lại, khi cấp ủy chính quyền cần liên lạc với nhà máy thì lại khó. Tôi công tác ở xã từ 2005 đến giờ, các nhà máy thủy điện trên địa bàn không có đóng góp, chia sẻ gì cho địa phương hay thăm hỏi, hỗ trợ bà con nghèo khó. Kể cả khi tôi làm Chủ tịch đã nhiều lần đề nghị nhưng cũng không được”, ông Đào A Khởi thẳng thắn chia sẻ.

Bạt đồi, xẻ núi để làm thủy điện.

Ông Lường Văn Nghen, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khẳng định, thực tế các công trình thủy điện vừa và nhỏ đang thi công trên địa bàn huyện, ít nhiều đều vi phạm lấn vào đất rừng, đổ xả thải sai quy định, hoặc vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, ảnh hưởng đến dân sinh. 

“Đối với các đơn vị mà vi phạm ngoài quy hoạch về đất rừng chủ yếu là các đường công vụ và các đường tránh. Năm 2019, huyện có kiểm tra và xử lý 4 đơn vị liên quan đến vấn đề sử dụng đất sai với quy hoạch theo phạm vi được cấp có thẩm quyền giao, xử phạt vi phạm hành chính. Khắc phục vấn đề này thì giao cho Ban quản lý rừng”, ông Lường Văn Nghen nói.

Thủy điện nhỏ mọc lên như nấm ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Năm 2017 lũ quét, sạt lở đất ở Mường La (Sơn La), Mù Cang Chải (Yên Bái) trong ngày 2 và 3/8 làm 32 người chết và mất tích. Năm 2018, lũ quét, sạt lở đất bất thường ở Lai Châu làm 25 người chết, mất tích, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 314 tỉ đồng.

Về nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất, các chuyên gia đánh giá có liên quan tới độ dốc lớn về địa hình của khu vực miền núi đi liền với diễn biến mưa lớn phức tạp và sự suy giảm độ che phủ rừng - thảm thực vật. Đặc biệt là các tác động của con người, trong đó trọng tâm là chặt phá rừng và xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện…

Người dân không đồng tình xây dựng thủy điện Quang Huy vì sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước và vẻ đẹp vốn có của dòng suối Tấc.

Theo lãnh đạo các địa phương, trước đây, dù biết làm thủy điện là ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đời sống dân sinh, gây lũ lụt, suất đầu tư lớn cộng, với thủ tục pháp lý cồng kềnh, nhưng không thể phủ nhận việc sinh lời nhờ thủy điện rất đều đặn. Nước chảy là có tiền, cơ quan Nhà nước cũng dễ quản lý chứ không phụ thuộc vào thị trường như nhiều nhóm ngành kinh tế khác. Nhưng mọi chuyện nay đã khác, thiếu nước phát điện, vốn đầu tư  khó thu hồi, các doanh nghiệp nợ động thuế, thất hứa với dân về đầu tư hạ tầng cơ sở, trồng bù rừng là những gì đang diễn ra đối với một số doanh nghiệp làm thủy điện.

Phải chăng chỉ mấy năm trước đây, địa phương, doanh nghiệp xem đầu tư thủy điện như “gà để trứng vàng” nên các dự án thủy điện được ưu ái chào đón hơn, thành ra những đứa “con cưng” này nhiều lúc lại trở nên “bất kham”. Và nữa, việc xử lý của cơ quan có thẩm quyền lại chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, gây mất niềm tin cho người dân nơi xây dựng công trình.

Trong hồ sơ quản lý của các cơ quan quản lý có thẩm quyền, không ít thủy điện “tiền trảm hậu tấu” trong đầu tư xây dựng, triển khai dự án chậm tiến độ, đổ thải gây ô nhiễm môi trường, không xây dựng bản đồ ngập lụt, không nghiêm túc xây dựng phương án ứng phó thiên tai, không quan tâm duy trì dòng chảy tối thiểu xuống hạ du, đùn đẩy né tránh trách nhiệm sau sai phạm.

Vì sao với nhiều sai phạm  và những ảnh hưởng rất rõ của việc xây dựng thủy điện nhỏ, các tỉnh vẫn thi nhau bổ sung quy hoạch thủy điện với mật độ dày đặc trong những năm tới. Câu chuyện này sẽ  tiếp tục được chúng tôi đề cập trong bài 3 của loạt phóng sự này./.

Bài 3: Có nên  ồ ạt bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Việt Nam lên tiếng về việc Lào sắp xây đập thủy điện Luang Prabang
Việt Nam lên tiếng về việc Lào sắp xây đập thủy điện Luang Prabang

VOV.VN - Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước ven sông Mekong tăng cường hợp tác nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong.

Việt Nam lên tiếng về việc Lào sắp xây đập thủy điện Luang Prabang

Việt Nam lên tiếng về việc Lào sắp xây đập thủy điện Luang Prabang

VOV.VN - Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước ven sông Mekong tăng cường hợp tác nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong.

Sông cạn, hồ khô, thuỷ điện ở Tây Nguyên khủng hoảng
Sông cạn, hồ khô, thuỷ điện ở Tây Nguyên khủng hoảng

VOV.VN - Nhiều thủy điện ở khu vực Tây Nguyên phải dừng hoạt động, một số khác chỉ hoạt động cầm chừng.

Sông cạn, hồ khô, thuỷ điện ở Tây Nguyên khủng hoảng

Sông cạn, hồ khô, thuỷ điện ở Tây Nguyên khủng hoảng

VOV.VN - Nhiều thủy điện ở khu vực Tây Nguyên phải dừng hoạt động, một số khác chỉ hoạt động cầm chừng.

Giữa mùa khô, Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước khiến hạ lưu hạn nặng
Giữa mùa khô, Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước khiến hạ lưu hạn nặng

VOV.VN - Ngay sau khi công trình thủy điện Thượng Kon Tum thực hiện việc tích nước đã khiến tình trạng khô hạn ở khu vực hạ lưu ngày càng nghiêm trọng.

Giữa mùa khô, Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước khiến hạ lưu hạn nặng

Giữa mùa khô, Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước khiến hạ lưu hạn nặng

VOV.VN - Ngay sau khi công trình thủy điện Thượng Kon Tum thực hiện việc tích nước đã khiến tình trạng khô hạn ở khu vực hạ lưu ngày càng nghiêm trọng.