Vì sao tăng trưởng tín dụng thấp?
VOV.VN - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho rằng, một trong những lý do khiến tín dụng tăng trưởng chậm là do thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 20/4, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022 và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Tín dụng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (6,46%), Phó Thống đốc Đào Minh Tú lý giải: Ngoài nguyên nhân từ phía cầu tín dụng thấp và thận trọng trong cấp tín dụng của các ngân hàng, còn có nguyên nhân do thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý của các dự án) dẫn tới tín dụng BĐS tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước kéo theo tăng tín dụng chung ở mức thấp.
Phó Thống đốc NHNN khẳng định tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.
Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung, BĐS không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS; đồng thời kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD, cho vay chéo..., cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng...
Dù lãi suất thấp nhưng nhiều doanh nghiệp không dám vay
Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho rằng, hiện nay bản thân các doanh nghiệp tương đối thận trọng vay vốn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu không có đơn hàng mới, không có dự án BĐS mới, không mở rộng đầu tư mới.... dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Tăng trưởng tín dụng của Techcombank trong quý I đạt gần 8%, tuy nhiên, dự báo quý II sẽ chậm lại. Ngay từ đầu năm, Techcombank đã thực hiện theo định hướng của NHNN, lãi suất huy động đã giảm 3% để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, ông Phạm Quang Thắng thông tin.
Ở góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay: Tín dụng tăng 1,25% so với cuối năm 2022 và 8,75% so với cùng kỳ. Tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh chịu tác động trực tiếp từ môi trường, sức hấp thu vốn của doanh nghiệp thấp. Các NHTM trên địa bàn đăng ký gói tín dụng ứu đãi hơn 450.000 tỷ đồng, tiếp tục tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm soát. NHNN giao quyền cho các TCTD cơ cấu lại nợ; nhóm đối tượng tương đối toàn diện (hoạt động sản xuất kinh doanh, khó khăn trả nợ vay tiêu dùng...).
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, sức hút vốn của nền kinh tế đang rất khó khăn, nên các TCTD muốn hoạt động cũng rất khó. Trong bối cảnh đó, các TCTD đã giảm lãi suất đầu vào, giảm lãi suất cho vay, lựa chọn dự án tốt để cho vay.
"Ngân hàng không thiếu vốn, room tín dụng không vướng. Tiếp cận vốn từ TCTD là không khó.Tuy nhiên, với sức hấp thụ vốn thấp như hiện nay, dù lãi suất có thấp nữa thì một số nhiều doanh nghiệp cũng không vay", ông Hùng nêu thực tế.
Đối với gói 120.000 tỷ đồng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nêu rõ: Ngành ngân hàng có rất nhiều giải pháp nhưng vẫn đang vướng ở các bộ, ngành, địa phương, do vậy cần có giải pháp từ các bộ, ngành, địa phương, để đẩy nhanh tiến độ.
"Chúng tôi đã thống nhất giảm mặt bằng lãi suất vậy làm sao cần có sự đồng thuận chung, thậm chí tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất đầu vào, giảm lãi suất đầu ra hỗ trợ doanh nghiệp", ông Hùng nói./.