Vì sao thực phẩm trong cửa hàng tiện lợi chưa hút khách?
VOV.VN -Hiện thực phẩm bán tại nhiều cửa hàng tiện lợi vẫn chưa thu hút khách hàng do giá cao và tâm lý người dân thích mua ở chợ cóc, chợ tạm hơn.
Những năm gần đây, tại Hà Nội, nhiều khu đô thị mới mọc lên, các chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị mini cũng "ăn theo" ngay tại chân tòa nhà để phục vụ nhu cầu dân sinh. Loại cửa hàng này có ưu điểm là gần, hàng hóa đa dạng, thanh toán nhanh, môi trường mua sắm văn minh. Tuy nhiên, thực phẩm bán trong các cửa hàng này vẫn chưa thu hút khách mua do giá cao và tâm lý người dân thích hơn khi mua ở chợ cóc, chợ tạm.
Giá cao "cản" chân khách hàng…
Khảo sát ngẫu nhiên tại một số cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini trong các khu chung cư, đô thị mới trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá cả đang là một rào cản khiến khách hàng chưa thực sự mặn mà vào mua sắm, nhất là thực phẩm. Chẳng hạn, tại một siêu thị mini trong khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) có bày bán thịt, trứng, giò... trong tủ làm mát bảo quản thực phẩm, còn các loại rau thì được bày trên giá kệ rất bắt mắt.
Khách chọn mua cam tại một cửa hàng tiện lợi trong khu đô thị Đặng Xá |
Tuy nhiên, tại đây, rau xanh, trứng, thịt... thường có giá chênh khá cao so với các chợ bên ngoài. Cụ thể, rau muống bán 7.000 đồng/mớ; rau đay 5.000 đồng/mớ; rau ngót 10.000 đồng/mớ; mồng tơi 6.000 đồng/mớ; bí đỏ 10.000 đồng/quả; bí xanh 21.000 đồng/kg; dưa chuột 12.000 đồng/4 quả; mướp 10.000 đồng/2 quả nhỏ; khoai tây 24.000 đồng/kg; trứng gà 46.000 đồng/chục; thịt lợn vai, thăn, ba chỉ, sườn 115.000 đồng/kg; bưởi da xanh 80.000 đồng/kg; cam sành 65.000 đồng/kg; nho xanh 78.000 đồng/kg…
Trong khi đó, ngoài chợ cóc dân sinh ở ven khu đô thị, rau muống, mồng tơi chỉ khoảng 3.000 đồng/mớ; rau đay 2.500 đồng/mớ; rau ngót 4.000 đồng/mớ, bí xanh 15.000 đồng/kg; trứng gà ta 35.000 đồng/chục; thịt lợn nạc vai 80.000 đồng/kg, đắt nhất là thịt ba chỉ 90.000 đồng/kg…
Lý giải giá rau củ trong siêu thị này cao hơn bên ngoài, một nhân viên cho biết: "do rau củ được nhập từ khu vực trồng rau sạch tại Đông Anh về, chi phí nhập cao, nên không thể bán rẻ hơn được”.
Ước tính, có khoảng gần 1.000 hộ dân sống tại 8 tòa nhà chung cư trong khu đô thị này, nhưng người dân vẫn chủ yếu mua sắm tại chợ cóc ven khu đô thị hoặc đi xa hơn, cách khoảng hơn 1 km, tới chợ truyền thống như chợ Sủi hoặc chợ Nông nghiệp.
Cô Thu (ở tòa A1-D2) vừa mua 2 quả cam trong siêu thị đi ra, cho biết: “Bí lắm mới mua cam ở đây vì giá “chát” quá, 2 quả mà 27.000 đồng, cũng không phải cam đặc sản”. Theo quan sát, tại siêu thị này, lượng khách vào mua chủ yếu đồ tạp hóa như: xà phòng, kem đánh răng, giấy vệ sinh, nước bình, kẹo…, còn thực phẩm tươi sống ít người vào mua.
Tại siêu thị Bài Thơ (tầng 1, nhà CT4A, Khu Đô thị Bắc Linh Đàm), người vào mua hàng khu vực bán rau, củ cũng khá vắng. Tại đây, giá rau được niêm yết như sau: Rau ngót 24.000 đồng/3 lạng; rau muống 13.000 đồng/5,7 lạng; mướp đắng 20.000/0,5kg; cà tím 15,500 đồng/6 lạng; dưa chuột 17.000/6 lạng; bí đỏ 14.500 đồng/8 lạng…
Còn tại khu chung cư GP Bank, số 170 Đê La Thành, có siêu thị Fivimart. Ở khu vực bán rau, lác đác có khách mua. Giá rau ở đây cũng chênh lệch so với thị trường bên ngoài, tuy nhiên “mềm” hơn những siêu thị, cửa hàng tiện ích khác. Cụ thể, cải xanh 8.500 đồng/mớ; rau ngót 4.500 đồng/mớ; su su 20.000 đồng/kg; mướp hương 17.000 đồng/kg; mồng tơi 6.900 đồng/mớ.
Theo chị Loan, khách hàng đang mua rau cải ngọt tại siêu thị này, chia sẻ: “Mình cũng hay mua rau ở siêu thị kiểu này, không biết chất lượng có được như họ ghi trên nhãn mác không, nhưng mua nhiều thành quen, thấy tiện thì mua vì không có thời gian ra chợ”.
"Thượng đế" còn hoài nghi chất lượng…
Một khảo sát mới đây của công ty Nielsen cho biết, thời gian tới, mức độ phủ sóng của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini sẽ bùng nổ tại Việt Nam. Tuy nhiên, đó là kỳ vọng, còn thực tế, hệ thống cửa hàng này đã ra đời ở Việt Nam cả chục năm nay, nhưng vẫn chưa hút khách, người dân vẫn thích hơn khi mua sắm chợ cóc, chợ dân sinh hoặc đại siêu thị.
Thực phẩm bảo quản sạch sẽ, bắt mắt tại một cửa hàng tiện lợi |
Một trong những lý do khiến hệ thống cửa hàng tiện lợi chưa thành công được giải thích là giá sản phẩm tại cửa hàng tiện lợi đắt hơn chợ và siêu thị nên người tiêu dùng chưa muốn trả tiền cho sự tiện lợi đó.
Theo khảo sát của Nielsen chỉ ra nhiều chỉ số cho thấy Việt Nam có nhiều lợi thế tiềm năng để phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi, như: có 73% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Dân số Việt Nam trẻ dưới 35 tuổi chiếm 57%. Tỉ lệ đô thị hóa ở Việt Nam khoảng 30% với mức tăng trưởng 3,4%/năm. Đặc biệt, với xu thế thu nhập sẽ tăng thì người tiêu dùng sẽ chi phí nhiều hơn cho mua sắm tiện ích.
Bên cạnh đó, theo những gì mà các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cam kết, ưu điểm của các cửa hàng này là kiểm soát đầu vào hàng hóa chặt chẽ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều này phù hợp với xu hướng hiện nay, khi người tiêu dùng có ý thức hơn về việc sử dụng sản phẩm sạch. Mặc dù vậy, tâm lý người dân vẫn rất hoài nghi về chất lượng, xuất xứ sản phẩm.
Chị Hà (sống ở tòa nhà A2D3, khu đô thị Đặng Xá), cho biết: “Để tiết kiệm chi tiêu cho gia đình, tôi thường tranh thủ đi chợ vào sáng sớm. Ra chợ, vừa rẻ vừa có thể dễ chọn đồ tươi ngon của chỗ quen mua nên yên tâm hơn. Bởi vì bây giờ báo chí nói nhiều đến thịt lợn nuôi tăng trọng, rau dính thuốc sâu, giá đỗ thì thuốc kích thích…. Dù trong các siêu thị nói là rau sạch, thịt sạch, tươi nên đắt hơn, nhưng mình cũng chưa tin lắm”.
Còn chị Tâm (ngõ 79, Tân Mai, làm việc tại Hà Đông) cho hay: “Mình thường hay mua thực phẩm ở cửa hàng quen trong khu chợ gần cơ quan. Bởi ở đó, mua nhiều thành quen chủ hàng. Họ biết thói quen, sở thích của mình rồi, nên khi cần, có thể chỉ gọi điện trước, rồi tan sở ra lấy hàng đúng ý, giá cả cũng "mềm"./.