Việc làm của tầng lớp trung lưu giúp VN phục hồi kinh tế
VOV.VN - Ông Phú Huỳnh, chuyên gia kinh tế lao động (ILO), Văn phòng khu vực Châu Á- TBD đã khẳng định như vậy.
Trong khi người Việt Nam vẫn chưa cảm thấy chắc chắn với triển vọng kinh tế của đất nước, họ có thể hy vọng rằng sự mở rộng của tầng lớp trung lưu trong lực lượng lao động có thể đóng một vai trò nhất định giúp phục hồi nền kinh tế năng động của mình.
Việt Nam tăng trưởng chậm lại đáng kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008. Trong lúc vật lộn với bất ổn kinh tế vĩ mô, Việt Nam tiếp tục phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Xuất khẩu chiếm khoảng 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Việt Nam, một tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với các láng giềng ASEAN là Indonesia, Philippines và Thái Lan. Nhưng với nhu cầu suy yếu từ các đối tác thương mại chủ chốt, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn không chắc chắn.
Làm thế nào Việt Nam có thể phục hồi kinh tế? Một cách tiếp cận có thể là cân bằng lại nền kinh tế theo hướng tiêu thụ nội địa mạnh hơn. Điều này sẽ góp phần bù đắp sự thay đổi trong các thị trường xuất khẩu và giúp tăng trưởng bền vững hơn.
Một bước đi cốt yếu để làm bệ đỡ cho thị trường nội địa Việt Nam là tăng tốc độ mở rộng tầng lớp trung lưu. Bằng chứng trên thế giới cho thấy tầng lớp trung lưu gắn liền với tiếp cận tốt hơn với việc làm được trả lương đều đặn, đầu tư nhiều hơn cho sức khỏe và giáo dục, và tiêu dùng hộ gia đình cao hơn.
Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tầng lớp kinh tế và thị trường lao động ở khu vực đang phát triển của châu Á-Thái Bình Dương cho thấy, lực lượng lao động trung lưu của Việt Nam đang tăng lên. Từ chỗ chỉ có một triệu lao động thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2000, con số đó giờ đây được ước tính khoảng 13 triệu (tức một phần tư lực lượng lao động). Tuy vậy, bất chấp tiến bộ ấy, khoảng 17 triệu lao động vẫn có thu nhập quá ít ỏi nên không vượt lên được chuẩn nghèo 2 USD/ngày. Khoảng 23 triệu người khác đang sống mấp mé trên ngưỡng đó và vẫn rất dễ bị tái nghèo trong những lúc khủng hoảng kinh tế, xã hội hay môi trường.
Chìa khóa để thúc đẩy động lực mở rộng tầng lớp trung lưu là tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn song song với việc tăng năng suất lao động và tiền lương. Cần phải đảm bảo có được các chính sách đúng đắn và thể chế vững mạnh.
Để đạt được điều đó, các biện pháp nhằm tăng tốc thay đổi trong cơ cấu kinh tế của đất nước đóng vai trò quyết định. Điều này sẽ tạo ra các cơ hội mới cho gần 25 triệu lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành nông nghiệp năng suất thấp để chuyển dịch sang các việc làm tốt hơn trong ngành công nghiệp và dịch vụ, nơi sử dụng 4/5 số lao động trung lưu.
Điều này cũng sẽ đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn cho việc cải thiện tiếp cận và chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là cho phụ nữ và thanh niên nông thôn. Với kỹ năng và trình độ được nâng cao, người nghèo Việt Nam có thể cạnh tranh tốt hơn để kiếm việc làm có kỹ năng, mang lại tiền lương cao hơn.
Trong bối cảnh chuyển đổi thị trường lao động và chuyển dịch nền kinh tế, cần thiết phải tăng cường các hệ thống bảo trợ xã hội nhằm hỗ trợ các gia đình dễ bị ảnh hưởng, giúp họ có khả năng thích ứng với điều kiện mới.
Lời kêu gọi tăng cường bảo trợ xã hội đã được nguyên thủ quốc gia các nước ASEAN khẳng định lại tại Brunei vào tháng 10/2013.
Việt Nam đã xây dựng thành công chương trình bảo hiểm thất nghiệp năm 2009, nhưng vẫn cần đầu tư nhiều hơn nữa để mở rộng phạm vi của chương trình này, đặc biệt là tới những lao động trong nền kinh tế không chính thức.
Tăng trưởng của tầng lớp trung lưu Việt Nam là bằng chứng cho những tiến bộ xã hội và thị trường lao động gần đây. Nhưng Việt Nam vẫn phải nỗ lực hơn nữa để tăng tốc quỹ đạo này. Với sự kết hợp đúng đắn giữa các chính sách về thị trường lao động và kinh tế, Việt Nam nên đặt mục tiêu đưa toàn bộ người lao động nghèo sang các công việc (tầng lớp) trung lưu. Chính điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và cân bằng./.