Việt Nam cần cải cách táo bạo hơn để tăng thu hút đầu tư
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, thủ tục đầu tư còn chậm, rườm rà… có thể gây mất FDI hiện tại và hàng triệu việc làm tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã có 452 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới với tổng vốn đạt trên 4,762 tỷ USD. Đồng thời, đã có 123 dự án tăng vốn với tổng lượng vốn tăng thêm là 1,621 tỷ USD. Tính chung cả đăng ký mới và tăng vốn, Việt Nam đã thu hút được 6,384 tỷ USD, bằng 72,3% so với cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút được từ 15-17 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2012. Tuy nhiên, với kết quả của 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã nhận định, mục tiêu này rất khó thực hiện được, nhất là trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu tiếp tục suy giảm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan từ bên ngoài, nhiều chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đã thẳng thắn chỉ ra không ít nguyên nhân nội tại từ phía Việt Nam.
Thủ tục đầu tư còn rườm rà
Báo cáo về môi trường đầu tư tại Việt Nam mới đây, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Preben Hjortlund cho biết: Các doanh nghiệp thành viên của EuroCham tiếp tục phải trải qua quá trình phê duyệt dài ngày và nhiều trì hoãn trong quá trình cấp phép đầu tư và đăng ký kinh doanh, cũng như rất nhiều các thủ tục rườm rà phức tạp yêu cầu phải trao đổi nhiều với chính quyền địa phương.
Nhiều thủ tục đầu tư rườm rà làm tăng áp lực giảm nguồn vốn FDI |
Thực tế, các cơ quan chính quyền yêu cầu các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi phải nộp các tài liệu bổ sung ngày càng nhiều, mặc dù các tài liệu và văn bản này không có trong yêu cầu pháp luật (Sở Kế hoạch Đầu tư coi những tài liệu này là tiền đề để xem xét các hồ sơ đăng ký)- ông Preben Hjortlund nhấn mạnh.
Chính vì thế, EuroCham khẳng định, kết quả là tỷ lệ các doanh nghiệp phải mất hơn 3 tháng để hoàn tất toàn bộ thủ tục cần thiết để bắt đầu kinh doanh hoặc cấp phép cho một dự án đã tăng lên đáng kể.
Không những vậy, thời gian yêu cầu cho việc cấp phép đầu tư giữa các thành phố và các tỉnh tại Việt Nam là rất khác nhau. Trong đó, thời gian chờ cấp giấy phép ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường lâu hơn rất nhiều. Thực tế cũng cho thấy thời gian xin giấy phép đầu tư giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng khác nhau. Và còn tồn tại cả hai thủ tục cấp phép cho đầu tư trong nước và cho đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam lần đầu tiên thành lập doanh nghiệp dưới hình thức doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100% hoặc doanh nghiệp liên doanh (không tính chủ sở hữu cổ phần nước ngoài) sẽ cần phải xin một Giấy chứng nhận đầu tư (bao gồm đồng thời giấy phép cho dự án đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Trong khi đó, ngoại trừ các dự án đầu tư với quy mô lớn hoặc có điều kiện, các nhà đầu tư trong nước chỉ cần có “giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
“Ví dụ điển hình về việc áp dụng khác nhau giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đó là trong ngành bán lẻ, khi mà ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) không áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước nhưng lại áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài”, ông Preben Hjortlund cho biết thêm.
Ngoài ra, nhiều ý kiến quan ngại về việc triển khai Nghị định 102 cũng được các nhà đầu tư nước ngoài đề cập.
Theo quy định tại Nghị định này, các doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện và quy định đầu tư như đối với nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, chính quyền địa phương có xu hướng đối xử với các doanh nghiệp có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% như một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, đi ngược lại với Nghị định 102.
Việt Nam “không nên tồn tại cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan chính quyền địa phương”- vị đại diện của EuroCham nhấn mạnh.
Cần cải cách táo bạo hơn nữa
Theo ông Mark Gillin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), có nhiều kiến nghị từ các tổ chức quốc tế về xúc tiến đầu tư và chiến lược cạnh tranh cho Việt Nam, nhưng “những phản hồi cho những kiến nghị này cũng chưa tích cực lắm”. Và, “dường như còn thiếu việc khởi xướng việc làm thế nào để thực hiện chiến lược”. Cho nên, theo ông Mark Gillin: “Việt Nam nên bắt đầu từ đâu, và làm như thế nào, vẫn còn là một câu hỏi”.
Vì thế, ông Mark Gillin cảnh báo: Nguy cơ này không chỉ đem đến cho Việt Nam sự thất bại trong quá trình tiến lên là quốc gia có thu nhập người dân đạt mức trung bình, “sản xuất hiện đại”, và kinh tế dịch vụ, mà còn cho thấy rằng không có khả năng cạnh tranh ngay cả trong vai trò “nhà máy đối tác” sản xuất các sản phẩm tiêu dùng có giá trị thặng dư thấp so với những thị trường mới nổi lên và sản phẩm cơ bản.
“Điều này có thể dẫn đến một sự mất mát FDI hiện tại và hàng triệu công ăn việc làm tại Việt Nam”-ông Mark Gillin thẳng thắn.
Nhận định rằng, 3 ưu tiên chiến lược của Chính phủ (bao gồm tái cấu trúc khu vực tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước) và cải thiện hiệu quả đầu tư ở khu vực công là chiến lược nhất quán và theo lộ trình cải cách đúng đắn. Tuy nhiên, theo ông Preben Hjorlund, một chiến lược có tốt thế nào đi chăng nữa, việc triển khai thực hiện chiến lược đó mới là điều cốt lõi.
Vì thế, ông cảnh báo, nếu Việt Nam không đạt được thành công trong các lĩnh vực dài hạn và mang tính cơ cấu này, những lợi ích mà thành công về chính sách kinh tế vĩ mô đem lại gần đây cũng sẽ không còn.
Còn Phó Chủ tịch AmCham tin tưởng rằng, Việt Nam nhìn chung có tiềm năng lớn mạnh và môi trường đầu tư tốt, tuy nhiên ông cũng lo ngại Việt Nam có thể sẽ bị kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”. Đặc biệt, ông Mark Gillin khẳng định, để có thể duy trì tham vọng là quốc gia có thu nhập cao trong thập niên mới, Việt Nam cần có chính sách cải cách táo bạo như đã thực hiện trong thời kỳ Đổi Mới./.