Việt Nam cần làm gì để thu hút FDI từ Đức?
VOV.VN - Hơn 73% doanh nghiệp Đức tin rằng, họ sẽ tăng khả năng cạnh tranh với cơ hội phát triển, tại thị trường Việt Nam.
Sáng 8/6, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) gặp mặt đại diện các cơ quan thông tấn báo chí, công bố Kết quả khảo sát Đánh giá niềm tin của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Bản báo cáo có chủ đề “Việt Nam – Biến nghịch cảnh thành cơ hội – Tận dụng lợi thế để phục hồi kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài”.
Mỗi năm, AHK Việt Nam thực hiện 2 kỳ khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức với môi trường kinh doanh và triển vọng phát triển tại Việt Nam. Trong kỳ khảo sát này, AHK Việt Nam nhận được phản hồi từ 4.200 doanh nghiệp Đức đang hoạt động trên 200 quốc gia, trong nhiều lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp-xây dựng, thương mại...
Bà Đào Thu Trang – Trưởng Bộ phận tư vấn chiến lược phát triển thị trường AHK Việt Nam khẳng định: “93% doanh nghiệp Đức cho biết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và hơn 64% kỳ vọng hoạt động kinh doanh khởi sắc trong 12 tháng tới”. Với 450 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam, chỉ số hài lòng cũng rất khả quan khi có tới 36% doanh nghiệp Đức cảm thấy hài lòng về sự phát triển của họ tại Việt Nam, chỉ 3% chưa hài lòng. Nếu so sánh với cuối năm 2021, DN Đức đã lạc quan hơn và họ đã phát triển hơn rất nhiều.
“Điều đó cho thấy Việt Nam mở cửa biên giới cùng các chính sách quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, tạo động lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đồng thời cũng phản ánh rõ rệt sự phát triển của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung”, bà Trang nêu rõ.
Kết quả khảo sát của AHK Việt Nam cũng cho thấy, 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 450 doanh nghiệp Đức. Đây chính là yếu tố thu hút đầu tư Đức đến Việt Nam – sau yếu tố chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định. Hơn 73% doanh nghiệp Đức tin rằng, họ sẽ tăng khả năng cạnh tranh với cơ hội phát triển tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Marko Walde – Trưởng Đại diện AHK Việt Nam, tại Đông Nam Á, tầm nhìn của các doanh nghiệp Đức tập trung vào Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực đầu tư và sản xuất lợi thế vẫn là Việt Nam. Doanh nghiệp Đức ở châu Âu có thể đầu tư vào Việt Nam 100% vốn nước ngoài khi người lao động Việt Nam chăm chỉ và gắn kết.
“Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Đức chọn đến Thái Lan là bởi ngành dịch vụ của Việt Nam chưa tốt bằng Thái Lan cũng như Việt Nam còn những bất cập về hạ tầng. Hệ thống dạy nghề của Việt Nam chưa tốt, ví dụ với ngành công nghiệp ô tô, không chỉ các kỹ sư, cử nhân Đại học hoặc cao hơn làm được mà cần nhiều người lao động từ khối dạy nghề”, ông Marko Walde chỉ rõ.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, dù doanh nghiệp Đức đang thể hiện khả năng chống chịu trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, họ vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức do bất ổn toàn cầu.
Đa số doanh nghiệp Đức cho rằng rủi ro lớn nhất là giá nguyên liệu thô, giá năng lượng và sự thiếu hụt tay nghề cao. Xung đột Nga-Ukraine cũng gây ra những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp Đức. Với những rủi ro, thách thức này, thời gian tới, doanh nghiệp Đức sẽ cẩn trọng hơn, chiến lược đầu tư sẽ được tính toán kỹ hơn, tuy nhiên, niềm tin dành cho đối tác Việt Nam vẫn là rất lớn và được ưu tiên, so với nhiều quốc gia Đông Nam Á khác./.