Việt Nam cần phải làm gì để người dân có thu nhập trên 7.000 USD/năm?

VOV.VN-Theo TS Nguyễn Đình Cung, thu nhập người Việt ở mức thấp là do chi phí của DN cao khiến giá trị gia tăng và phần thu nhập tăng thêm không bằng nước khác

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 99/189 nước về chỉ số môi trường kinh doanh, giảm một bậc so với năm trước. Con số này, theo các chuyên gia về cơ bản là chấp nhận được xét trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, theo chuyên gia cải thiện môi trường kinh doanh Olin McGill thuộc USAID GIG (dự án Quản trị nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ), với xếp hạng này, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lẽ ra phải đạt khoảng 7.545 USD, cao hơn mức thực tế đã đạt được cùng thời điểm (1.400 USD).

Cũng theo ông Olin McGill, hiện mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải tiêu tốn tới 872 giờ một năm để khai thuế, nộp thuế là vượt quá sức tưởng tượng. "Với những kinh nghiệm tôi đã trải qua, nước kém nhất cũng chỉ mất khoảng 300 giờ, nhưng Việt Nam lên tới hơn 800 giờ là rất nghiêm trọng", ông McGill đánh giá.

Thêm vào đó là chi phí thương mại qua biên giới cũng gây tốn kém. Với lượng thời gian lên tới 21 ngày như hiện nay, Việt Nam đang thất thoát tổng cộng 15% trong tổng kim ngạch thương mại..

Thực tế này đặt ra vấn đề, Việt Nam phải nỗ lực vươn lên cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh.

Chính phủ Việt Nam đã sớm có những hành động nhằm cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh với việc ban hành Nghị quyết 19/2014/NQ-CP.

Xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có cuộc trao đổi với báo chí.

** Theo ông, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là rút ngắn thời gian thủ tục khai thuế, nộp thuế từ mức 872 giờ hiện nay xuống còn không quá 300 giờ/năm  và thủ tục thông quan từ 21 ngày xuống còn 14 ngày  ngay trong giai đoạn hiện nay có phù hợp không?

TS Nguyễn Đình Cung: Trước hết, cần nhìn vào yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, yêu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam và yêu cầu cải cách thể chế, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh.

Chúng ta đặt ra yêu cầu rất lớn là xuất phát từ thực tiễn. Đòi hỏi cải cách để thúc đẩy phát triển kinh tế, từng bước tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, quay trở lại mức tăng trưởng trên 7,5%.

Khi xây dựng Nghị quyết 19 này, nhóm soạn thảo cũng như các cơ quan có liên quan đã cân nhắc rất kỹ thực tế yêu cầu, thông lệ quốc tế. Tại sao các nước làm được mà Việt Nam ko làm được? Rất nhiều nước từ thứ hạng như Việt Nam hiện nay chỉ trong 3-4 năm đã nhảy lên thứ hạng cao về cải thiện môi trường kinh doanh?.

Làm được điều này sẽ tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh, đặc biệt là giảm thiểu rủi ro về thương mại, pháp lý, chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ trong việc tăng trưởng kinh tế.

Theo chuyên gia quốc tế tính toán, nếu ta cắt giảm được 1 ngày về thủ tục thông quan, ta có thể giảm được 1% chi phí xuất nhập khẩu trong 1 năm. Hiện nay tổng kim ngạch của nước ta gần 300 tỷ USD, do vậy con số giảm được là rất lớn.

TS Nguyễn Đình Cung

** Thực hiện Nghị quyết 19, ngoài vấn đề thuế và hải quan còn nhiều bất cập về thủ tục, theo ông hiện còn vấn đề gì cần giải quyết?

TS Nguyễn Đình Cung: Hiện nay, so với quốc tế, vấn đề thuế của Việt Nam như số lần nộp thuế, hồ sơ phải nộp, số giờ phải nộp – 3 chỉ tiêu này đứng thứ 149/189 nước có nền kinh tế. Đặc biệt, số giờ nộp thuế của chúng ta hiện nay là 178 giờ, gần như đội sổ về xếp hạng.

Đối với hải quan, Việt Nam đang đứng thứ 65/189 nước với 21 ngày thông quan hàng xuất khẩu và 21 ngày thông quan hàng nhập khẩu. Với 1 nền kinh tế mở, con số này còn lớn so với mức trung bình của các nước ASEAN hiện nay với thông quan xuất khẩu là 14 ngày và nhập khẩu 13 ngày.

Đây là 2 chỉ số rất quan trọng tác động đến chi phí, rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp, đòi hỏi chúng ta cần phải cải thiện ngay.

** Theo ông Nghị quyết 19 sẽ tác động như thế nào đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam?

TS Nguyễn Đình Cung: Môi trường kinh doanh theo Ngân hàng thế giới (WB) tính là có 10 chỉ tiêu. Việt Nam có chỉ tiêu khởi sự doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách; Thông quan hàng qua biên giới, nộp thuế do Bộ Tài chính phụ trách; Tiếp cận điện năng; Tín dụng: Giải thể phá sản doanh nghiệp… Việt Nam xếp hạng tổng thể là thứ 99/198 nước.

Với chỉ tiêu khởi sự doanh nghiệp: Việt Nam đứng thứ 109 trong bảng xếp hạng. Nếu sửa đổi luật Doanh nghiệp như hiện nay thì theo tính toán, Việt Nam sẽ tăng được 50 hạng.

Chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam đang xếp hạng khoảng 157, theo cải cách sẽ cải thiện được từ 50 đến hơn 100 bậc.

Cải cách thủ tục hành chính thuế với các chỉ tiêu cụ thể đến cuối năm 2014 giảm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế từ mức 872 giờ hiện nay xuống còn không quá 300 giờ/năm. Và đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm); giảm số lần nộp thuế xuống tối thiểu bằng với mức trung bình của các nước trong khu vực.

Về thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp, theo yêu cầu phải giảm bằng mức trung bình của các nước ASEAN-6: xuất khẩu là 14 ngày và nhập khẩu 13 ngày.

Nếu giảm được như vậy, tất cả các chỉ số cộng lại có thể giúp năng lực cạnh tranh của Việt Nam lên được 40 bậc.

Như vậy, trong ASEAN, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ đứng thứ 3, chỉ kém Singapore, Malaysia, có thể ngang ngửa hoặc hơn Thái lan.

Những cải cách này cũng sẽ giúp doanh nghiệp giảm phí rất lớn, từ đó giúp giảm chi phí xã hội, và thu nhập bình quân của người dân sẽ được tăng lên.

Tóm lại tinh thần của Nghị quyết 19 là giảm rủi ro pháp lý, thương mại, tăng độ an toàn cho người đầu tư; Khuyến khích tinh thần tự do kinh doanh, sáng tạo kinh doanh trong môi trường chi phí thấp, rủi ro thấp, độ an toàn cao. Từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh mới, hoạt động sản xuất kinh doanh trở nên năng động hơn.

** Theo ông mục tiêu mà Nghị quyết 19 đưa ra là có quá tham vọng?

Không tham vọng không thể cải cách được. Và sự tham vọng này không phải là không có cơ sở. Chúng ta cũng đã nhìn thấy sự cam kết trong các bộ, các lãnh đạo và cần sự phối hợp chặt chẽ, kết nối giữa các ban ngành.

** Hiện có vướng mắc liên quan tới con người tham gia trực tiếp, bao gồm lợi ích, thu nhập của cán bộ viên chức liên quan đến thủ tục của doanh nghiệp, ông có nhận định gì?

TS Nguyễn Đình Cung: Nếu vì thu nhập thấp mà ko làm thì đến bao giờ mới có thu nhập cao. Vấn đề là phải cải cách thì tốc độ tăng trưởng mới tăng cao, từ đó thu nhập mới tăng theo.

Rõ ràng phải thúc đẩy, tăng năng suất lao động thì mới có thể tăng lương. Muốn tăng năng suất thì phải thay đổi quy trình hoạt động, từ đó làm việc có hiệu quả hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế.

** Việt Nam hiện xếp thứ 99 trong xếp hạng cải thiện môi trường kinh doanh. Tại sao các nước có gần xếp hạng với ta có mức thu nhập trung bình 7.000 USD mà Việt Nam chỉ có 1.400 USD?

TS Nguyễn Đình Cung: Khi xếp hạng, top cao nhất là có môi trường kinh doanh tốt, thu nhập trung bình của họ vào khoảng 35.000 USD/năm. Mỗi bậc hạ 20%. Với mức xếp hạng 99 thì đáng lẽ Việt Nam phải có mức thu nhập 7.000 USD – 7.500 USD/năm. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam khoảng từ 2.000 - gần 4.000 USD/năm tính theo sức mua tương đương.

Theo tôi, mức thu nhập trung bình của Việt Nam chỉ ở mức thấp như vậy vì chi phí của doanh nghiệp khá cao so với các nước khác, khiến giá trị gia tăng và phần thu nhập tăng thêm không bằng các nước khác. Điều này rõ ràng cần phải xem xét kĩ lưỡng.

Một trong số đó là việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Theo đó chi phí giảm rủi ro cho doanh nghiệp, thực chất là giảm chi phí xã hội, từ đó thu nhập bình quân của người dân sẽ được tăng lên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã thực sự cải thiện?
Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã thực sự cải thiện?

VOV.VN - Chỉ số Môi trường Kinh doanh của Việt Nam đang tăng mạnh mẽ, song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã thực sự cải thiện?

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã thực sự cải thiện?

VOV.VN - Chỉ số Môi trường Kinh doanh của Việt Nam đang tăng mạnh mẽ, song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết.

Thu nhập của người Việt lẽ ra phải đạt 7.000 USD
Thu nhập của người Việt lẽ ra phải đạt 7.000 USD

VOV.VN - Môi trường kinh doanh của Việt Nam có thứ bậc từ 91-120, nhưng do điều hành không hiệu quả nên thu nhập của người dân thấp.

Thu nhập của người Việt lẽ ra phải đạt 7.000 USD

Thu nhập của người Việt lẽ ra phải đạt 7.000 USD

VOV.VN - Môi trường kinh doanh của Việt Nam có thứ bậc từ 91-120, nhưng do điều hành không hiệu quả nên thu nhập của người dân thấp.

Môi trường kinh doanh kém, vì sao FDI vào Việt Nam vẫn cao?
Môi trường kinh doanh kém, vì sao FDI vào Việt Nam vẫn cao?

VOV.VN - Người ta đầu tư không phải để phát triển kinh tế Việt Nam mà tăng lợi nhuận từ chính việc lợi dụng chính sách ưu đãi, kẽ hở kiểm soát, chế tài kém.

Môi trường kinh doanh kém, vì sao FDI vào Việt Nam vẫn cao?

Môi trường kinh doanh kém, vì sao FDI vào Việt Nam vẫn cao?

VOV.VN - Người ta đầu tư không phải để phát triển kinh tế Việt Nam mà tăng lợi nhuận từ chính việc lợi dụng chính sách ưu đãi, kẽ hở kiểm soát, chế tài kém.

Việt Nam đứng thứ 99 về xếp hạng môi trường kinh doanh
Việt Nam đứng thứ 99 về xếp hạng môi trường kinh doanh

VOV.VN-Theo WB, năm nay, xếp thứ 99/189 nền kinh tế, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện thứ bậc.

Việt Nam đứng thứ 99 về xếp hạng môi trường kinh doanh

Việt Nam đứng thứ 99 về xếp hạng môi trường kinh doanh

VOV.VN-Theo WB, năm nay, xếp thứ 99/189 nền kinh tế, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện thứ bậc.