Việt Nam cần tăng tính chủ động ứng phó tác động từ Brexit?
VOV.VN - Các chuyên gia đã đưa ra những phân tích về tác động của Brexit tới Việt Nam và khuyến nghị giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực.
Đánh giá tác động từ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) tới nền kinh tế Việt Nam, tại buổi tọa đàm “Thiên nga đen” Brexit và ứng xử của Việt Nam do BizLIVE tổ chức chiều 28/6, các chuyên gia phân tích nhiều chiều tác động và nêu những giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ sự kiện này.
Ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. (Ảnh: Bizlive)
“Có tác động nhưng không nghiêm trọng lắm!”
Theo TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia thì trước mắt, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng bất lợi vì không ít đồng tiền của các đối tác thương mại của Việt Nam xuống giá so với đồng Việt Nam. Nhưng có một số đồng tiền lại lên giá (như đồng Yên của Nhật), và điều này cũng tạo ra cơ hội ít nhiều để nâng sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam.
TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, hiện nay đầu tư trực tiếp của Anh vào Việt Nam không lớn, nhưng đầu tư của các dòng vốn “đi qua nước Anh” vào Việt Nam lại không nhỏ. Cho nên trước mắt việc thu hút dòng vốn này có thể gặp khó khăn hoặc chững lại.
TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm Đào tạo BIDV - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cũng có cái nhìn bi quan hơn về tác động của Brexit đối với kinh tế Việt Nam. Cụ thể là việc Anh rời EU ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Việt Nam trước mắt và lâu dài.
“Về trước mắt, chứng khoán và tỷ giá đều có những tác động nhất định. Về lâu dài, Brexit tác động đến nền kinh tế Việt Nam về thương mại, đầu tư. Về xuất nhập khẩu của Việt Nam tới châu Âu, đặc biệt là thị trường Anh, sẽ có thách thức”, TS.Cấn Văn Lực chỉ rõ.
Cùng quan điểm này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, xuất khẩu của Việt Nam tới Anh chắc chắn sẽ giảm sút, nhất là khi đồng Bảng Anh mất giá thì hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Anh sẽ bị tăng giá.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright mặc dù khẳng định, Brexit chắc chắn có ảnh hưởng tiêu cực vì nó ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Tuy nhiên, Việt Nam có mối quan hệ kinh tế đa phương nên tác động không nghiêm trọng lắm. Còn vấn đề tỷ giá, tác động thương mại đến mất giá đồng tiền,… cần có thời gian quan sát.
Trong khi đó, bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc Chuyên môn Phân tích VNDirect lại cho rằng, quan hệ thương mại của Anh với Việt Nam hiện nay là không lớn, tỷ trọng xuất nhập khẩu chỉ chiếm 3% – 4% trong tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, dòng vốn FDI từ Anh cũng không cao nên ở tầm vĩ mô chưa thấy ảnh hưởng rõ ràng tới Việt Nam khi Anh rời EU.
“Nhóm xuất khẩu lớn sang EU chủ yếu là dệt may và thủy sản. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu của họ sang thị trường Nhật, Mỹ... lớn hơn so với EU nên chưa bị ảnh hưởng. Đến hôm nay, theo thống kê, thị trường khá vững vàng, có vẻ cân bằng, chưa có sự tác động mang tính lan tỏa từ khi Brexit diễn ra”, bà Phương đưa ra nhận định.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI cũng chung nhận định với các chuyên gia khi cho rằng, ảnh hưởng kinh tế trực tiếp của Brexit đối với kinh tế Việt Nam không đáng kể.
“Về thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chiếm 2,3% GDP, chỉ cao đứng sau Campuchia. Tôi không đồng tình với nhận định của một số báo chí quốc tế như Bloomberg cho rằng Việt Nam bị ảnh hưởng lớn từ Brexit. Khi tăng trưởng của Anh ở mức cao thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lại ở mức thấp, và ngược lại. Do đó, không có sự tương quan lớn giữa tăng trưởng GDP của Anh và Việt Nam”, ông Linh nói.
“Không có gì là không thể xảy ra”
Trong bối cảnh sự kiện Brexit sẽ ít nhiều tác động đến nền kinh tế Việt Nam trước mắt và lâu dài, các chuyên gia cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần chủ động theo sát diễn biến tình hình để đưa ra quyết định chính sách hay thông điệp chính sách kịp thời và giải trình thỏa đáng.
Theo TS. Võ Trí Thành, các nhà hoạch định chính sách, nhất là chính sách vĩ mô, của Việt Nam cần bám sát nguyên tắc cơ bản: Ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu quan trọng vì nó góp phần giảm thiểu rủi ro, giảm thiểu sự xáo trộn “thái quá” của thị trường và giúp thị trường có điểm cân bằng mới dài hạn hơn, đồng thời là cách thức tốt giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả.
“Chính sách vĩ mô cần uyển chuyển, linh hoạt hơn rất nhiều. Giữa linh hoạt chính sách, nhất là chính sách tiền tệ, tỷ giá và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô không phải lúc nào cũng là sự lựa chọn dễ dàng. Việc phối hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá cần phải đặc biệt lưu tâm. Một chính sách tiền tệ linh hoạt, có hiệu lực rất cần một ngân sách chặt chẽ, kỷ luật”, TS. Võ Trí Thành chỉ rõ.
Còn theo TS. Huỳnh Thế Du, Việt Nam cần phải quan sát và phân tích, xem xu hướng toàn cầu như thế nào. Đây mới chỉ là sự khởi đầu, sau này vẫn còn có những biến động khó lường. Sau Brexit bài học rút ra là “không có gì là không thể xảy ra”.
“Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần tăng tính chủ động và tăng khả năng ứng phó với các tình huống bất ngờ. Muốn có điều đó, nhà làm chính sách phải có 2 yếu tố: Năng lực tốt và khả năng nhìn nhận, đánh giá vấn đề tốt. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cần cải thiện tốt 2 yếu tố này”, TS. Huỳnh Thế Du đề cập./.