Việt Nam có một tương lai tươi sáng nhờ nguồn lực của kinh tế tư nhân
VOV.VN - Nếu được phát huy đúng và hiệu quả khu vực kinh tế tư nhân thì sẽ tiếp nối những thành công và kéo theo đó là sự phát triển thịnh vượng của đất nước.
Chiều 17/1, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” đã diễn ra với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ban Kinh tế trung ương. Với chuỗi 3 hội thảo và một phiên Đối thoại chính sách cấp cao, diễn đàn với sự tham gia của khoảng 2.000 đại biểu đã bàn luận về các vấn đề lớn của kinh tế đất nước, nhận diện xu thế cùng những cơ hội và thách thức, từ đó gợi mở định hướng cho thời gian tới. Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh Hiệp định CPTPP vừa Chính thức có hiệu lực từ ngày 14/01 được dự báo sẽ có những chuyển biến về chính sách trong thời gian tới.
Năm 2018, Việt Nam đã hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 7,08% là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, xuất siêu lập kỷ lục (hơn 6,89 tỷ USD), cao nhất trong 10 năm qua; 132.000 doanh nghiệp thành lập mới; năm thứ ba liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại Phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao |
Phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry; đại diện lãnh đạo Ngân hàng nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các tỉnh thành và các giám đốc quốc gia của WB, ADB tại Việt Nam.
Phát biểu tại phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, kinh tế Việt Nam có một năm thành công và đáng ghi nhận. “Chúng ta cần làm gì để Việt Nam không chỉ là “một còn mèo nhỏ” mà phải trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á, như cách so sánh của Giáo sư Jay Rosengard, Đại học Harvard đã từng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ nhất năm 2017?”
Theo ông Nguyễn Văn Bình, một quốc gia muốn hóa rồng, hóa hổ thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách.
Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng có những trao đổi thẳng thắn về nguồn nhân lực, về con người Việt Nam: “Chúng ta cần tập trung đào tạo những con người có trình độ, có năng lực, có khả năng thì họ đều có thể tham gia đóng góp tốt, tích cực vào bất cứ khu vực nào của xã hội, của nền kinh tế, từ quản lý nhà nước, nghiên cứu đào tạo, giáo dục y tế hay doanh nghiệp nhà nước, nước ngoài, tư nhân…”
Các đại biểu quốc tế trao đổi sôi nổi bên lề Diễn đàn Kinh tế Việt Nam |
Tại diễn đàn, nhiều hội thảo chuyên đề đã được đưa ra; các phiên thảo luận, đối thoại thẳng thắn thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu, các nhà hoạt định chính sách và các doanh nhân.
Với phiên thảo luận “Các FTAs thế hệ mới – phát triển nền kinh tế số”, chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cùng các diễn giả đã chia sẻ về việc tận dụng hiệu quả các FTAs thế hệ mới trong bối cảnh mới của thương mại thế giới, phát triển nền kinh tế số và hạ tầng liên quan tại Việt Nam; đồng thời, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0 thông qua đổi mới sáng tạo và công nghệ.
Tổng Giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo có những thông tin thú vị tại phiên thảo luận “Phát triển kinh tế tư nhân củng cố liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài”. Nữ CEO cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự đóng góp của những đầu tàu kinh tế tư nhân, khu vực năng động và linh hoạt của nền kinh tế trong một quốc gia khởi nghiệp, trở thành động lực quan trọng của kinh tế thị trường định hướng XHCN.
“Tôi và anh Trương Gia Bình - 2 đại diện của tập đoàn tư nhân là những ví dụ thực tế của chủ trương này của Đảng khi ban tổ chức mời tham dự diễn đàn ngày hôm nay”, bà Thảo cho hay.
Tổng Giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo tham gia thảo luận |
Nữ tỷ phú tự thân đầu tiên và duy nhất của Đông Nam Á cho biết, hàng năm kinh tế tư nhân đang tạo ra 1,2 triệu việc làm, chúng ta hiện có khoảng trên 750.000 doanh nghiệp đóng góp tới 43% GDP, như trong lĩnh vực dịch vụ thì khu vực tư nhân đóng góp tới 85% GDP khu vực này. Chính phủ đã đưa thông điệp mạnh mẽ về một chính phủ kiến tạo, trong sạch, một chính phủ hành động với những động thái cởi mở về cơ chế, thể chế cho kinh tế tư nhân phát triển với hàng loạt các hoạt động.
“Chúng tôi hoạt động trong ngành Hàng không, sự tấp nập của 21 cảng hàng không trên cả nước phản ánh sức sống của nền kinh tế Việt Nam. Có thống kê quốc tế, cứ 1% tăng trưởng của Hàng không sẽ đồng hành tương ứng với 0,5% GDP và điều này đã đúng ở Việt Nam khi hàng không tăng trưởng bình quân 14-15% các năm qua còn GDP đạt trên dưới 7%”, bà Thảo dẫn chứng.
Chia sẻ chi tiết về những thành tựu của kinh tế tư nhân, bà Thảo nói: “Hàng không tư nhân đóng góp 70% trong kết quả tăng trưởng chung của cả ngành Hàng không. Năm 2018, Vietjet mở rộng thêm với nhiều đường bay quốc tế tới các nước Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Malaysia, Hong Kong, Trung Quốc; thu hút đầu tư và du khách tới Việt Nam qua những chuyến bay được cộng đồng quốc tế đánh giá chất lượng cao. Tổng doanh thu đạt 52,135 tỷ đồng, công ty tiếp tục nằm trong nhóm 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất của cả nước với số tiền thuế, phí thu nộp ngân sách lên tới 6,193 tỷ đồng, tăng 47,5% so với năm 2017 tương đương với một tỉnh trung bình”.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet |
Để thực sự trở thành một quốc gia kiến tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, bà Thảo cho rằng, từ chính phủ đến các cấp, ngành cần cùng chung nhận thức và hành động. Nữ tỷ phú cũng đưa ra nhiều đề xuất như tốc độ tái cơ cấu, và cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu khu vực ngân hàng cần đẩy nhanh hơn, để hạn chế gây ảnh hưởng tới tài chính vĩ mô, giảm triển vọng tăng trưởng. Cạnh đó, Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách, biện pháp, để khai thác tốt nguồn lực tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng hàng không, sân bay, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất chất lượng trên toàn xã hội.
Bà Thảo cũng kỳ vọng doanh nghiệp tư nhân được ứng xử bình đẳng, hướng tới xây dựng những tập đoàn tư nhân là đầu tàu cho chuỗi công nghiệp phụ trợ và niềm tin cho doanh nhân khởi nghiệp mang thương hiệu quốc gia, dân tộc như Samsung, Toyota, Alibaba… của các nước. Bà cho rằng, cũng cần xem xét những qui định liên quan tới visa, quyền lao động, cho cán bộ, chuyên gia, người làm việc nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam để thu hút nguồn nhân lực quốc tế, phục vụ cho đổi mới và tăng trưởng trong xu hướng mở cửa lao động toàn cầu.
Trong phát biểu của mình, nữ CEO nhắc lại lời của lãnh đạo ngân hàng thế giới: “Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng nhờ vào khu vực kinh tế tư nhân và người dân. Nếu được phát huy đúng và hiệu quả thì sẽ tiếp nối những thành công và kéo theo đó là sự phát triển thịnh vượng của đất nước...”./.
Việt Nam trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á: Cách nào?
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Củng cố nền tảng tăng trưởng bền vững