Việt Nam có nhiều lợi thế đón đầu dòng chuyển dịch vốn đầu tư từ các nước
VOV.VN - Việt Nam có nhiều lợi thế để đón đầu dòng chuyển dịch vốn đầu tư từ các nước. Trong khi COVID-19 là nỗi lo của cả thế giới thì Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, duy trì sản xuất ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Tại Hội thảo “Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra chiều nay (15/9), các đại biểu trao đổi vấn đề làm sao để có thể chớp lấy thời cơ, giúp các doanh nghiệp nước ta tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thời gian qua, sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trên toàn cầu khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, góp phần hình thành nên "bức tranh" toàn cảnh với rất nhiều cơ hội lớn và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trong phiên thảo luận, các diễn giả cũng dự báo về thị trường sắp tới, việc quy hoạch vùng, khai thác quỹ đất sao cho hiệu quả, chuẩn bị về hạ tầng, nguyên liệu, logistics, khơi thông liên kết để tạo điều kiện cho việc hình thành các cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành trong và giữa các địa phương.
Đồng thời cùng thảo luận về các chính sách, cải cách hành chính để thu hút đầu tư; cơ chế phối hợp thống nhất giữa các địa phương trong vùng tứ giác kinh tế TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu và các địa phương lân cận, nhằm liên kết, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam có nhiều lợi thế để đón đầu dòng chuyển dịch vốn đầu tư từ các nước. Trong khi COVID-19 là nỗi lo của cả thế giới thì Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, duy trì sản xuất ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư đến Việt Nam.
"Chúng ta có những cải thiện môi trường đầu tư, có lợi thế về lao động với thị trường gần 100 triệu dân. Với 15 FTA (Hiệp định thương mại tự do) mà Việt Nam ký với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã tạo được thị trường tiềm năng thu hút doanh nghiệp có hướng đầu tư vào Việt Nam", ông Phạm Tuấn Anh nhận định.
Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối, xây dựng chuỗi cung ứng khu vực Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các tỉnh, thành phía Nam gặp gỡ, trao đổi và hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu hoạt động ở lĩnh vực cơ khí, ô tô, điện, điện tử, cao su, chế biến gỗ..; học hỏi kinh nghiệm phát triển công nghiệp của một số quốc gia trên thế giới./.