Việt Nam có thể nâng cao đời sống người dân hơn nữa
VOV.VN - Ngân hàng Thế giới cũng khuyến khích Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực chính trong nền kinh tế.
Hôm nay (17/7), Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới thông báo hai bên đã đồng ý tiến hành một nghiên cứu chung khuyến nghị một số hành động chính sách để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới, đưa Việt Nam vào lộ trình một nước công nghiệp hoá hiện đại hóa.
Tại buổi họp báo với báo chí chiều nay, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho biết: “Các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể nâng cao đời sống người dân hơn nữa nếu có thể tăng cường hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực chính trong việc tạo việc làm, tăng cường sáng tạo và tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất lao động và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”.
Nghiên cứu sẽ tập trung vào những thay đổi cần có để Việt Nam tăng cường thương mại và năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước hơn nữa. Nghiên cứu cũng sẽ xem xét các chính sách và hành động mà Việt Nam cần thực hiện để phát triển kinh tế bền vững, cải cách thể chế và tạo cơ hội, bình đẳng cho mọi người.
Phóng viên đặt câu hỏi: Trước đây, Ngân hàng Thế giới đã gợi ý rất nhiều chính sách tốt cho Việt Nam để cải thiện DNNN, cũng như vấn đề giải quyết nợ xấu trong ngân hàng; song bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, sự phát triển của Việt Nam vẫn dưới tiềm năng và lẽ ra khu vực DNNN có thể hoạt động hiệu quả hơn trước rất nhiều; vậy Ngân hàng Thế giới có giải pháp cụ thể nào trong thời điểm này hay không?
Chủ tịch Jim Yong Kim cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thể chế, Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy, phát triển cơ chế hợp tác công tư và cải thiện chất lượng của việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, giảm sở hữu Nhà nước trong các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cũng cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai khoản tín dụng ưu đãi trị giá 3,8 tỷ USD dành cho Việt Nam trong vòng 3 năm tới thông qua IDA, quỹ của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ tín dụng cho các nước nghèo nhất, một cách hiệu quả nhất, đảm bảo minh bạch, công khai.
Với Hiệp định vay vốn ưu đãi cho 5 chương trình, dự án, với tổng trị giá là 876 triệu USD, nguồn vốn này sẽ tài trợ cho các chương trình, dự án có đối tượng hưởng lợi là người dân và các doanh nghiệp ở hầu hết các địa phương trên lãnh thổ Việt Nam. Ngân hàng Thế giới cam kết không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính mà còn về mặt kỹ thuật, tư vấn phân tích, nghiên cứu về chính sách, hoạt động triển khai dự án.
Ngân hàng Thế giới cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc kiểm tra sức khỏe khu vực tài chính. Các kết quả kiểm tra, đánh giá sẽ được thống kê trong Báo cáo của Ngân hàng Thế giới xuất bản trong thời gian tới./.