Việt Nam còn nhiều việc phải làm để lọt top ASEAN 4
VOV.VN - Mặc dù tăng 10 bậc xếp hạng năng lực toàn cầu, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, để lọt vào nhóm ASEAN 4, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới, Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm vừa qua. Lần đầu tiên Việt Nam vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng. Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, để lọt được vào nhóm ASEAN 4, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, có được kết quả này phải kể đến nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Chính phủ trong cải cách thể chế. Một công cuộc cải cách ở rất nhiều mặt. Tất cả các chỉ tiêu theo bảng đánh giá xấp hạng đều có mức tăng trưởng đáng kể, trong đó phải kể đến chỉ têu ứng dụng công nghệ thông tin hay thị trường hàng hóa… được đánh giá có sự chuyển biến tích cực.
TS. Doanh cho rằng: “Những chỉ tiêu khác như: việc thanh toán hay giải quyết phá sản.. thì chúng ta cũng cần phải nỗ lực bởi vì những chỉ tiêu đó lâu nay vẫn chậm tiến bộ và cũng phải có những cuộc cải cách để tạo điều kiện dễ dàng. Trong kinh tế thị trường thì phá sản không phải là ngày tận thế mà phá sản là một sự tàn phá sáng tạo”.
Việt Nam còn nhiều việc phải làm để lọt top ASEAN 4. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), cải cách thể chế quan trọng nhất của Việt Nam thời gian qua đóng góp vào việc thăng hạng, đó là việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong đó, năm 2019 Việt Nam thực thi các cam kết của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đánh giá cao việc thực hiện 2 Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ trong việc cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành ở các bộ, ngành cũng như việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh ở các địa phương. Song TS. Nguyễn Đức Thành dẫn chứng và cho rằng, cần phải đi vào thực chất hơn, bởi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp quyết định sức cạnh tranh của nền kinh tế và quốc gia.
“Có nhiều giấy phép con bỏ, nhưng 3 giấy phép con bỏ thì lại hình thành 1 giấy phép con mới nhưng lại hội đủ cả 3 điều kiện cũ chỉ là thay đổi cho phù hợp với điều kiện tình hình mới thôi… thì như vậy vẫn rất khó cho doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.
Ghi nhận các giải pháp quan trọng thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử và nền kinh tế số thời gian qua, TS. Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng vẫn còn rất chậm: “Việc chuyển đổi số thực sự nó đòi hỏi một hạ tầng số rất tốt, trên cơ sở đó là các vấn đề về an ninh, về thể chế và các vấn đề về pháp luật.. Tôi cho rằng còn rất sơ khai, do đó đã làm cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam còn chia cắt, manh mún, chưa đạt được như mong muốn.. Mặc dù nền kinh tế dựa trên số rất nhiều rồi nhưng để trở thành một hệ thống hạ tầng, hệ thống tài nguyên có thể khai thác được, doanh nghiệp có thể sử dụng, Nhà nước có thể quản lý để bảo vệ và quản lý xã hội thì tôi nghĩ, hầu như chúng ta chưa có bước tiến nào đáng kể”.
Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn đang xếp sau 6 quốc gia là Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines, do đó vẫn còn rất nhiều việc phải làm để lọt vào nhóm ASEAN 4, trong đó có việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đáp ứng các yêu cầu, cam kết của các hiện định FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA…/.
Việt Nam đứng đầu trong cuộc đua cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu