Việt Nam đã đủ bản lĩnh từ chối các khoản vay không hiệu quả
VOV.VN - Bộ trưởng Tài chính khẳng định: Lúc này chúng ta có đủ bản lĩnh và điều kiện để từ chối các khoản vay với điều kiện lãi suất cao, hiệu quả thấp.
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương sáng 29/12, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sau khi đánh giá khái quát tình hình tài chính – ngân sách năm 2017, đã đưa ra quan điểm của Bộ này trong nhiệm vụ kế hoạch tài chính ngân sách năm 2018.
Trước hết, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cùng với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần thực hiện quyết liệt việc cơ cấu lại NSNN, nợ công, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Để thực hiện mục tiêu này, ngành Tài chính đã và đang rà soát kiến nghị điều chỉnh chính sách thu theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng. Tăng cường quản lý thu nhất là đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh cá thể lớn, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2017 dự kiến hoàn thành vượt dự toán thu NSNN 5%. Số đã báo cáo Quốc hội trong kỳ họp 4 vừa qua là 2,3%. Tuy nhiên, số vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất. Thu từ khu vực FDI và khu vực ngoài quốc doanh tuy có mức tăng trưởng khá năm 2016, nhưng vẫn không đạt dự toán, do dự toán tính ở mức quá cao. Thu từ khu vực FDI dự toán giao tăng 23,4% và khu vực ngoài quốc doanh giao tăng 23,8%.
Về thu ngân sách trung ương (NSTW), dù có nhiều khó khăn nhưng đến nay cơ bản đã đảm bảo nhiệm vụ cân đối NSTW, bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) giảm 4.000 tỷ đồng so với dự toán, và ước bằng 3,48% GDP thực hiện. Thu ngân sách địa phương vượt 12,9% dự toán, tương đương 60.000 tỷ đồng, cá biệt vẫn còn một số địa phương thu thấp, khó khăn do cân đối ngân sách địa phương (NSĐP).
Để xử lý thanh khoản, đảm bảo chi trả tiền lương và chế độ chính sách cho con người trong năm 2017, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ xử lý ứng nguồn NSTW cho một số địa phương. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, hạn chế tối đa các chính sách miễn giảm, giãn thuế trong chính sách về kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hải quan, tạo thuận lợi cho kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh. Tăng cường quản lý chống thất thu NSNN. Đến nay cơ bản hoàn thành triển khai cơ chế tự khai, tự nộp và hoàn thuế qua mạng. Sắp tới, ngành tài chính sẽ triển khai cơ chế hoá đơn điện tử, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tập trung chủ đề chống chuyển gia, gian lận thương mại, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh qua mạng, chuyển dần hoạt động kinh doanh phi chính thức vào diện đối tượng quản lý.
“Đây là những việc rất khó khăn, phức tạp, khó thành công, nếu không có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự ủng hộ của các bộ ngành, địa phương” – Bộ trưởng Tài chính nói.
Về chi NSNN, đã tiếp tục cơ cấu lại chi theo hướng tăng tỷ trọng chi cho đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng cường vận dụng các nguyên tắc thị trường trong quản lý chi tiêu như là khoán chi phí, khoán xe công, từng bước tính đúng tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công, trên cơ sở đó cơ cấu lại NSNN trong từng ngành, từng lĩnh vực. Tuy nhiên, khởi đầu của việc cơ cấu lại NSNN chính là từ các bộ ngành, địa phương gắn với việc cơ cấu lại bố trí chi đầu tư, chi thường xuyên, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của TƯ và Quốc hội.
Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh lại một lần nữa: “Chúng tôi rất mong sự ủng hộ và vào cuộc thực sự của các bộ, ngành, địa phương”.
Về nợ công, thông qua các biện pháp tái cơ cấu, Bộ tài chính tiếp tục kéo dài kỳ hạn. Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân năm 2017 trong nước là 12,7 năm, so với năm 2016 là 8,7 năm. Nâng kỳ hạn danh mục TPCP cuối năm 2017 là 6,7 năm so với 5,98 năm cuối năm 2016. Lãi suất giảm, đảo ngược cơ cấu nợ trong nước và nước ngoài, từ mức 39 – 61 năm 2011, nay lên 60 – 40 năm 2016 (vay nước ngoài giảm xuống còn 40%). Đa dạng hoá các nhà đầu tư, trái phiếu của ngân hàng thương mại từ 78% năm 2016 xuống còn 54% năm 2017.
“Có thể nói, tình hình nợ công đã bớt áp lực hơn nhiều so với mấy năm trước. Đây là thời điểm cần tập trung quản lý để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng và huy động các khoản vay nợ. Lúc này chúng ta có đủ bản lĩnh và điều kiện để từ chối các khoản vay với điều kiện lãi suất cao, hiệu quả thấp. Vì vậy, qua hội nghị này, chúng tôi đê nghị các bộ ngành địa phương thận trọng hơn khi đề suất vay, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhằm giảm thiểu chi phí vay” – Bộ trưởng Tài chính lưu ý./.
Những kỷ lục kinh tế ấn tượng năm 2017
Đã cắt giảm và đơn giản hóa hơn 5.000 thủ tục hành chính