Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của đầu tư và kinh doanh

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Châu Âu tại thành phố Hồ Chí Minh: Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong một số ít nền kinh tế mới nổi nhận được dòng vốn đầu tư ròng vào danh mục đầu tư chứng khoán năm nay

Phát biểu tại Hội nghị Đầu tư Quốc tế Việt Nam do Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh chiều 11/11, bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước đã nêu rõ: “Trong suốt 15 năm qua, một trong những thành tựu chủ yếu và đặc biệt quan trọng của Việt Nam là thúc đẩy tự do hóa kinh tế-thương mại gắn với việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặc dù trong ngắn hạn, nền kinh tế có xuất hiện những yếu tố khó khăn, tuy nhiên, nhìn vào những tiềm năng nội tại, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng tích cực về kinh tế Việt Nam ở tầm trung và dài hạn. Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn của đầu tư và kinh doanh trên thế giới”.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của nguồn vốn FDI, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng: Khi mức tiết kiệm để đầu tư thấp, nguồn vốn FDI – nhất là đầu tư trung và dài hạn, theo đúng cơ cấu ngành nghề và vùng miền trong chiến lược phát triển quốc gia sẽ giúp Việt Nam vươn tới một nền kinh tế ngày càng thịnh vượng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Những thành tựu của Việt Nam có sự đóng góp tích cực của khu vực có vốn FDI. Tùy theo từng thời kỳ, vốn từ nước ngoài chiếm tỷ trọng khoảng từ 16,2% đến 29,9% vốn đầu tư xã hội; đóng góp khoảng từ 16% đến 24,2% GDP. Tính đến nay, FDI chiếm khoảng 45% kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo ra việc làm cho khoảng 1,42 triệu lao động trực tiếp cùng nhiều ngành, nghề mới; du nhập những công nghệ hiện đại, phương thức kinh doanh và quản lý tiên tiến góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Ông Nguyễn Chí Dũng cũng đề cập đến những vấn đề đáng lưu tâm của nguồn vốn FDI như: Việt Nam cần giải quyết tốt hơn những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh cụ thể là về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hệ thống luật pháp, thủ tục hành chính...; những vấn đề liên quan đến công tác quản lý Nhà nước như ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, vấn đề sử dụng không hiệu quả nguồn tài nguyên đất, năng lượng, vấn đề cấp phép đầu tư ồ ạt gây phá vỡ quy hoạch trong các ngành công nghiệp trọng yếu. Ông bày tỏ hy vọng rằng với những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại Hội nghị, ông Don Lam, Tổng giám đốcVinaCapital đã trình bày những kết quả ban đầu trong việc thu hút FDI vào thị trường Việt Nam trong 5 năm qua; cùng trao đổi kinh nghiệm với các nhà đầu tư nước ngoài và nêu lên bí quyết thành công của VinaCapital là có đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia giàu kinh nghiệm; luôn phát triển thương hiệu và mở rộng quan hệ; quy trình đầu tư mang tính kỷ luật; cơ sở khách hàng lớn mạnh...

Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Châu Âu tại thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng quá nóng vào thời gian đầu năm 2008 nhưng các chỉ số kinh tế đã được cải thiện ở quý III/2008. Sau khi nêu lên những thách thức đối với nền kinh tế do bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, ông cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm đến thị trường chứng khoán của Việt Nam, bất chấp dòng vốn ra gần đây. Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong một số ít nền kinh tế mới nổi nhận được dòng vốn đầu tư ròng vào danh mục đầu tư chứng khoán năm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên