Việt Nam thu hút Nhật Bản đầu tư công nghiệp phụ trợ
Việt Nam đang tích cực xây dựng một môi trường pháp lý thuận lợi và hạ tầng để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ.
Đó là thông điệp của “Hội thảo về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam” do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Kawasaki tổ chức tại thành phố Kawasaki chiều 26/9.
Phát biểu khai mạc Hội thảo trước 150 đại biểu tham dự, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản ở Kawasaki, ông Nguyễn Phú Bình, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đã nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật đang tiếp tục phát triển về chiều sâu và quan hệ hữu nghị, ngày càng gắn bó giữa hai dân tộc sẽ là nền tảng và môi trường cho hợp tác song phương trong công nghiệp phụ trợ gặt hái được những thành quả có lợi cho phát triển của cả hai nền kinh tế.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình phát biểu tại Hội thảo (ảnh Việt Dũng) |
Đến dự Hội thảo, ông Abe Takao, Thị trưởng Kawasaki cũng nêu rõ, với truyền thống giao lưu, hợp tác kinh tế giữa Kawasaki và Việt Nam từ đầu những năm 1990, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ vận tải cảng biển, giáo dục đại học và đào tạo tu nghiệp sinh, Kawasaki luôn mong muốn có cơ hội đầu tư và tham gia giúp đỡ phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Phạm Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), với tư cách là khách mời của Hội thảo, đã nêu rõ nhu cầu và chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam để xây dựng Việt Nam thành một nước công nghiệp vào năm 2020, đặc biệt là các nỗ lực của Việt Nam đang xây dựng một đạo luật cho công nghiệp phụ trợ cùng với quy hoạch phát triển và đối tác cho công nghiệp phụ trợ mà các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đóng một vai trò chủ chốt.
Cũng tại Hội thảo, các doanh nghiệp Nhật Bản tỏ ra băn khoăn về khả năng phát triển các chuỗi sản xuất liên kết cho một sản phẩm công nghiệp. Theo ông Tuất, để đáp ứng yêu cầu trên, Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và phát triển danh mục cho công nghiệp phụ trợ, sơ bộ hiện nay đã có 49 ngành sản xuất, và kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản cùng đóng góp hoàn thiện.
Tham dự Hội thảo còn có đoàn xúc tiến đầu tư do ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất dẫn đầu. Đoàn xúc tiến đã mang đến những hình ảnh và thông tin về cơ hội thiết lập các cơ sở sản xuất và liên kết kinh doanh phát triển Khu kinh tế Dung Quất, một khu kinh tế đa năng với nhiều thuận lợi về cơ sở hạ tầng, cung ứng công nghiệp, dịch vụ và vận tải biển. Thông tin về Khu kinh tế Dung Quất đã thu hút quan tâm của các đại diện doanh nghiệp Nhật Bản, và cùng với dự án các khu chuyện biệt cho công nghiệp phụ trợ về điện tử ở Hải Phòng, về cơ khí ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Khu kinh tế Dung Quất sẽ hướng đến cụm tập trung về cơ khí ô tô ở miền Trung Việt Nam.
Về kinh nghiệm hợp tác kinh doanh ở Việt Nam, ông Takemaru, Giám đốc một công ty ở Kawasaki đã có gần 10 năm phát triển cơ sở sản xuất dao cắt, khoan cao cấp ở Việt Nam, cho biết đối tác Việt Nam của ông năng động, nhiều sáng tạo, và rất đáng tin cậy, và do vậy quyết định kinh doanh ở Việt Nam của ông là đúng đắn. Kết thúc Hội thảo, ông Yamada, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Kawasaki đáng giá nội dung hội thảo đúng với mong đợi của Phòng Thương mại và Công nghiệp Kawasaki và đã mang lại những thông tin cập nhật, thích hợp và đáp ứng quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Kawasaki.
Là thủ phủ của tỉnh Kanagawa, Kawasaki và là một trung tâm công nghiệp điển hình của Nhật Bản. Ở đây có những nhà máy lớn sản xuất thép, máy công nghiệp, hóa dầu, hàng điện tử của các công ty lớn như Toshiba, NEC, Fujitsu, Kawasaki Motor… và một hệ thống các doanh nghiệp vửa và nhỏ (DNVVN) có tiềm năng tài chính và công nghệ cao sản xuất linh kiện và phụ tùng cho các nhà máy lớn. DNVVN đã chiếm tới 44% doanh thu sản phẩm công nghiệp và 52% doanh thu thông tin và dịch vụ của Kawasaki và đã hình thành những cụm và trung tâm công nghiệp phụ trợ chuyên biệt có tiềm năng sáng tạo mạnh mẽ. Kawasaki cũng đồng thời là nơi có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, hữu nghị với Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp đầu tư, buôn bán thành công tại Việt Nam./.