Việt Nam tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu gạo tại Philippines
VOV.VN - Từ nay đến hết năm 2018, Việt Nam sẽ duy trì việc cung cấp đến 1,5 triệu tấn gạo mỗi năm cho thị trường Philippines.
Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, Bản Thỏa thuận thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines năm 2010 đã chính thức được gia hạn cho giai đoạn tiếp theo từ 31/12/2016 đến hết 31/12/2018.
Bản Thỏa thuận là cơ sở pháp lý vững chắc giúp Việt Nam tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu gạo tại Philippines, do nước này chủ yếu nhập khẩu gạo thông qua hình thức đấu thầu Chính phủ (G-G).
Từ năm 2011 - 2015, Philippines luôn là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT) |
Hiện nay, chỉ các nước đã ký Bản Thỏa thuận thương mại gạo cấp Chính phủ với Philippines (Campuchia, Thái Lan và Việt Nam) mới được tham gia các cuộc đấu thầu cung cấp gạo cho Philippines.
Thành công của việc gia hạn đúng thời hạn của Bản Thỏa thuận sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp đầu mối của Việt Nam (Tổng Công ty lương thực miền Bắc và Tổng Công ty lương thực miền Nam) tham gia vào các đợt đấu thầu gạo cấp Chính phủ sắp tới tại Philippines (dự kiến đợt thầu tiếp theo sẽ được tổ chức trong tháng 1/2017).
Việc gia hạn Bản Thỏa thuận thương mại gạo 2010 giữa Việt Nam và Philippines là hết sức cần thiết, góp phần ổn định thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bối cảnh tình hình thị trường gạo thế giới và khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp.
Trong những năm qua, Bản Thỏa thuận nói trên đã được triển khai tích cực, có kết quả, đóng góp phát triển quan hệ thương mại gạo tốt đẹp giữa hai nước. Từ năm 2011 - 2015, Philippines luôn là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam.
Lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Philippines thường chiếm từ 17-20% tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu ra thế giới hàng năm trong giai đoạn 2011-2015. Việt Nam luôn là đối tác quan trọng và truyền thống trong các hoạt động nhập khẩu gạo của Philippines. Hàng năm, Philippines nhập khẩu từ 500.000 đến gần 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam tùy theo tình hình sản xuất và tạm trữ của thị trường./.