Việt Nam và chính sách ứng phó biến động kinh tế thế giới

Theo nhiều chuyên gia, trước mắt Việt Nam cần đảm bảo kinh tế vĩ mô, nỗ lực phát triển lĩnh vực tài chính để đối phó với biến động kinh tế thế giới hiện nay.

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam”.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về tài khoá, tiền tệ, đặc biệt là mạnh dạn tái cơ cấu để ổn kịnh kinh tế vĩ mô.

Ông Deepak Mishra- Chuyên gia kinh tế (thuộc Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam cho rằng: Môi trường kinh tế toàn cầu đang biến động khó lường, ảnh hưởng sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, dòng vốn vào các nước đang phát triển giảm 20% trong tháng 7 và tháng 8 cho thấy một đợt suy thoái toàn cầu mới rất có thể xảy ra, và có tác động đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Theo ông Deepak Mishra, nguyên nhân là do cấu trúc của nền kinh tế. Hiện tăng trưởng của Việt Nam không tỷ lệ thuận với mức độ đầu tư cao. Tỉ lệ nợ công của Việt Nam hiện chiếm trên 50% GDP. Tỷ lệ vay nợ của doanh nghiệp nhà nước cao hơn chuẩn mực quốc tế.

Ông Deepak Mishra cho rằng, Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn, trong đó tập trung vào chính sách tài khóa và quản lý nợ.

Theo các chuyên gia kinh tế, an toàn cho hệ thống ngân hàng cũng là một thách thức đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Ông Dominic Patrick Mellor- Chuyên gia kinh tế Ngân hàng châu Á (ADB) cho rằng, Việt Nam là một ngoại lệ trong khu vực, bởi còn rất ít dư địa cho tài khoá, tiền tệ. Trước mắt Việt Nam cần đảm bảo kinh tế vĩ mô, nỗ lực phát triển lĩnh vực tài chính theo chiều sâu.

Theo ông Dominic, ước tính 7% GDP cần hướng vào đầu tư cho cơ sở hạ tầng mới duy trì được tăng trưởng. Trong khi nợ công ở mức cao, nguồn lực quốc gia hạn chế, Chính phủ Việt Nam cần tìm thêm các kênh tài chính khác nhau và các phương án để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng.

Khu vực tài chính hiện phụ thuộc nhiều vào ngân hàng, còn khu vực phi ngân hàng thì hạn chế vì không đủ vốn và quy mô nhỏ, rủi ro tín dụng cao.

Nhìn vào các bảng cân đối tài sản ngân hàng có thể thấy, nhiều khoản tiền gửi ngắn hạn nhưng lại cho vay dài hạn. Sự mất cân đối này tạo ra rủi ro lớn về mặt tín dụng.

Năm 2012, Việt Nam chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng ở mức 6-6,5%/năm, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, làm nền tảng để những năm cuối của kế hoạch 5 năm có mức tăng trưởng cao hơn.

Theo một số chuyên gia kinh tế, cần kiên quyết giảm thu ngân sách xuống mức 24-25% GDP. Trên cơ sở đó giảm chi ngân sách, giảm đầu tư công, kéo mức thâm hụt ngân sách xuống 4% GDP.

PGS.TS Lê Xuân Bá- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, để thực hiện được các mục tiêu này, phải bắt tay ngay vào tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên mà Hội nghị Trung ương 3 đã khẳng định gồm: Đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên