Việt-Trung thỏa thuận khai thác dầu khí trên vịnh Bắc Bộ
(VOV) -Hai bên xác định cùng hợp tác thăm dò, khai thác. Điều này chỉ phục vụ lợi ích kinh tế hai nước, không liên quan đến nước thứ ba.
Việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc ký thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 liên quan tới thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi vịnh Bắc Bộ là tiếp nối các thỏa thuận thăm dò dầu khí từ năm 2006 tới nay.
Quang cảnh lễ ký giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc. (Ảnh Xuân Dần-VOV - Bắc Kinh) |
Để hiểu hơn vấn đề này, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Đỗ Văn Hậu-Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) xung quanh nội dung thỏa thuận này.
PV: Ông có thể cho biết nội dung bản Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 về hợp tác giữa PVN và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc vừa được ký kết hôm nay?
Ông Đỗ Văn Hậu: Thỏa thuận hợp tác giữa PVN và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc được ký lần đầu từ năm 2006 phù hợp với Hiệp định đã ký kết giữa hai nước về phân định Vịnh Bắc Bộ. Thỏa thuận này đã được gia hạn 3 lần. Lần này là lần thứ 4 với thời hạn đến năm 2016.
Theo đó, chúng ta và phía Trung Quốc đã thỏa thuận với nhau về một vùng biển nằm trên vịnh Bắc Bộ, nằm trên đường phân định hai quốc gia; cùng nhau thăm dò và cùng nhau khai thác khi phát hiện có dầu khí.
Ngoài việc gia hạn, thỏa thuận lần thứ 4 này đã thống nhất mở rộng khu vực thăm dò chung nằm trên đường phân định hai quốc gia trên vịnh Bắc Bộ của hai nước lên gần 3 lần so với lần đầu năm 2006.
Khu vực này được chia đều qua đường phân định trên vịnh Bắc Bộ, một nửa nằm phía Việt Nam và một nửa nằm bên phía Trung Quốc. Trên khu vực này, hai tổng công ty của hai Nhà nước sẽ cùng nhau tiến hành thăm dò, nhằm phát hiện các cấu tạo địa chất có chứa dầu khí. Khi phát hiện có dầu khí, hai bên sẽ tiếp tục bàn thảo, để cùng nhau hợp tác khai thác.
PV: Liệu có vấn đề gì nhạy cảm trong thỏa thuận này không, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Hậu |
Ông Đỗ Văn Hậu: Đây là thỏa thuận hợp tác về một khu vực nằm trong vịnh Bắc Bộ, là nơi mà mọi người đều biết, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định phân định đường biên giới trên biển. Vì vậy, thỏa thuận hợp tác này không có gì ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của mỗi nước trên Vịnh Bắc Bộ. Đây chỉ là hợp tác thuần túy về kinh tế, cùng nhau thăm dò, khai thác nếu phát hiện ra dầu khí.
PV: Vậy thỏa thuận này có gì khác so với những thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí giữa Việt Nam và một số quốc gia khác?
Ông Đỗ Văn Hậu: Thỏa thuận này có khác. Trước đây ta ký kết những hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với những quốc gia khác là hợp đồng thực hiện trên vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Còn đây là hợp tác giữa hai tổng công ty dầu khí quốc gia của hai nước, về việc thăm dò và khai thác ở một vùng biển chung, có diện tích chồng lấn hai bên, nhưng đã được phân định đường biên giới trên biển.
Theo dự báo, khu vực này có cấu tạo địa chất liền nhau, có khả năng có dầu khí, nên hai bên xác định để có lợi cao nhất, thì cùng hợp tác thăm dò và tiến tới khai thác. Điều này chỉ phục vụ lợi ích kinh tế hai nước, không liên quan đến nước thứ ba.
PV: Ông có thể cho biết, ý nghĩa của thỏa thuận lần này là gì?
Ông Đỗ Văn Hậu: Ý nghĩa quan trọng nhất là sự tăng cường hợp tác giữa PVN và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc. Qua đó sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai Nhà nước nói chung.
Thực ra, trong nhiều năm qua, hai công ty đã có sự hợp tác với nhau. Những gì liên quan đến lợi ích, chủ quyền quốc gia, hai bên đều tôn trọng, đề cao trong quá trình hợp tác này. Nếu có ai đó, không tôn trọng chủ quyền của nhau, thì chúng tôi sẽ phản đối./.
Việt Nam và Trung Quốc ký kết 10 văn kiện hợp tác
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác. Đây là những văn kiện quan trọng nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Đó là Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc; Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng; Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thành lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột suất của hoạt động nghề cá trên biển; Bản ghi nhớ xây dựng Trung tâm văn hóa giữa 2 nước; Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giói trên đất liên Việt Nam-Trung Quốc; Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu; Kế hoạch hợp tác giữa Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc giai đoạn 2013-2017; Hiệp định khung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc Trung Quốc cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi cho Dự án hệ thống thông tin đường sắt trị giá 320 triệu nhân dân tệ; Hiệp định cho vay cụ thể tín dụng người mua ưu đãi cho Dự án nhà máy Đạm than Ninh Bình trị giá 45 triệu USD; Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên qua tới thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.
Đáng chú ý nhất trong các văn kiện này là việc thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Nông nghiệp hai nước nhằm kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.
Thông tin về việc Ký kết Mở rộng Khu vực Xác định Thỏa thuận Thăm dò Chung Việt Nam – Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ giữa Petrovietnam và CNOOC
Theo Quy định tại Điều 7 của Hiệp định Việt Nam - Trung Quốc về Phân định Lãnh hải, Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (ký ngày 25/12/2000 và có hiệu lực từ ngày 20/6/2004), nếu có các mỏ dầu khí vắt ngang qua Đường Phân định, hai nước sẽ cùng nhau hợp tác khai thác chung. Từ năm 2005, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã ký kết và thực hiện Thỏa thuận Khung về hợp tác dầu khí trong Khu vực Thỏa thuận Ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ. Trên cơ sở kết quả thực hiện Thỏa thuận Khung, Thỏa thuận Thăm dò Chung Việt Nam - Trung Quốc trong Khu vực Xác định Ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa Petrovietnam và CNOOC ngày 6/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 2/1/2007, sau khi được Chính phủ hai nước phê chuẩn.
Trong thời gian qua, hai Bên đã cùng nhau tiến hành các hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí trong Khu vực Xác định của Thỏa thuận, gồm: Khảo sát địa chấn 3D; Khoan 1 giếng tìm kiếm thăm dò dầu khí; và Nghiên cứu, minh giải tài liệu, đánh giá tiềm năng dầu khí. Thỏa thuận Thăm dò chung này đã được các cấp có thẩm quyền của hai nước cho phép sửa đổi 03 lần về thời hạn để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra. Trong hơn 06 năm qua, tuy chưa có phát hiện dầu khí thương mại nhưng hai Bên đã thu thập được những thông tin quan trọng về tiềm năng dầu khí tại khu vực làm cơ sở cho việc mở rộng khu vực xác định của Thỏa thuận thăm dò chung, đồng thời đã tạo dựng được mối quan hệ hợp tác tốt giữa hai Bên.
Với mục đích gia tăng cơ hội phát hiện các đối tượng có tiềm năng dầu khí nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí, sau khi được các cấp có thẩm quyền của hai nước phê chuẩn, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 19/6/2013, Petrovietnam và CNOOC đã ký kết Thỏa thuận sửa đổi lần 4 Thỏa thuận Thăm dò Chung Việt Nam - Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ với nội dung: (i) mở rộng Khu vực Xác định từ 1541km2 lên thành 4076km2, bao gồm 02 phần tương đương nhau từ mỗi bên (xem sơ đồ); và (ii) tiếp tục gia hạn hiệu lực của Thỏa thuận Thăm dò Chung đến hết năm 2016.
Thỏa thuận Thăm dò Chung Việt Nam - Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ do hai Bên cùng điều hành, với chi phí hoạt động được chia đều cho mỗi bên. Trong trường hợp có phát hiện dầu khí thương mai tại Khu vực Xác định, hai Bên sẽ cùng nhau xem xét, thảo luận để chuyển sang giai đoạn hợp tác khai thác chung phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế và luật pháp của mỗi nước với phương châm tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của mỗi nước trong khu vực Vĩnh Bắc bộ và đảm bảo lợi ích của hai Bên.
THỎA THUẬN
VỀ NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CHỈ ĐẠO GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TRÊN BIỂN
GIỮA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ
NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA
Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhất trí cho rằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Hai bên nhất trí căn cứ vào những nhận thức chung mà Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong vấn đề trên biển, trên cơ sở “Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” năm 1993, xử lý và giải quyết vấn đề trên biển tuân theo những nguyên tắc dưới đây:
1. Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
2. Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.
3. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC).
Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.
4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.
5. Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.
6. Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển.
Thỏa thuận này ký tại Bắc Kinh, ngày 11 tháng 10 năm 2011, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau./.
TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI VIỆT NAM (đã ký) Hồ Xuân Sơn Thứ trưởng thứ nhất |
TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA TRUNG HOA (đã ký) Trương Chí Quân Thứ trưởng Bộ Ngoại giao |
TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (đã ký) Hồ Xuân Sơn Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao |
TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA (đã ký) Trương Chí Quân Thứ trưởng Bộ Ngoại giao |
TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (đã ký) Hồ Xuân Sơn Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao |
TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA (đã ký) Trương Chí Quân Thứ trưởng Bộ Ngoại giao |