VietGap - giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi cá tra

Việc tạo ra bộ tiêu chuẩn nuôi cá tra có tính chung nhất cho các thị trường như VietGap đã giúp người nuôi cá tra dễ dàng hơn

Bối rối với các hệ thống chứng nhận

Hiện nước ta có đến 9 bộ tiêu chuẩn nuôi cá tra theo hướng bền vững, và mỗi thị trường lại có yêu cầu chứng nhận khác nhau. Vấn đề này đã gây ra nhiều bối rối cho người nuôi cá tra Việt Nam và ngay cả cơ quản quản lý địa phương trong việc định hướng cho người nuôi cá áp dụng tiêu chuẩn có hiệu quả nhất.

Áp dụng VietGap, người nuôi sẽ dễ dàng chuyển sang các hệ thống chứng nhận khác

Cả 9 bộ tiêu chuẩn này đều dựa trên cơ sở là tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đưa ra với 4 nội dung cơ bản là: an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, sức khỏe động vật và an sinh xã hội. Mỗi tổ chức sáng lập hệ thống chứng nhận đi sâu vào một khía cạnh nào đó để hình thành nên các bộ tiêu chuẩn khác nhau, sau đó họ thực hiện những biện pháp tác động để các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng yêu cầu sản phẩm đạt được các loại chứng nhận này.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngày nay người tiêu dùng ở các thị trường khác nhau yêu cầu sản phẩm phải đạt được các chứng nhận khác nhau như: người tiêu dùng Tây Âu, Mỹ yêu cầu sản phẩm phải dán nhãn Global GAP, các nước Bắc Âu lại yêu cầu đạt chứnh nhận ASC. Tuy nhiên, thị trường Đông Âu và châu Phi lại không cần sản phẩm phải đạt được chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững nào.

Quá nhiều hệ thống chứng nhận bao vây con cá tra đã gây ra nhiều khó khăn cho nông dân, nhất là đối với người nuôi cá tra nhỏ lẻ. Ông Nguyễn Văn Bé - xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, người nuôi cá tra không biết phải áp dụng tiêu chuẩn nào để đáp ứng nhu cầu thị trường và mang lại hiệu quả cao nhất. Bởi đầu ra cho cá tra nguyên liệu không ổn định, thiếu sự liên kết người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nên khi bắt đầu thả giống người nuôi cũng chưa biết bán cho doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu vào thị trường nào.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, việc định hướng cho nông dân trong việc áp dụng tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững có hiệu quả cao nhất cho người nuôi cá tra là rất khó, bởi thực tế, trong mấy năm trước đã có một số tỉnh như An Giang, Tiền Giang… mạnh dạn thực hiện các dự án thí điểm áp dụng và chứng nhận tiêu chuẩn SQF 1000CM cho vùng nuôi cá tra với diện tích hàng chục ha, chi phí hàng tỷ đồng. Tuy nhiên cuối cùng, các dự án này đã “đứt gánh” giữa đường vì hệ thống chứng nhận này không được các thị trường chấp nhận rộng rãi, giá cá nguyên liệu bán ra chẳng khác với cá nuôi bình thường, trong khi chi phí sản xuất cao hơn đến 30%. Ngoài ra, chi phí đầu tư để được cấp giấy chứng nhận cũng là một khó khăn đối với người nuôi cá tra khi chi phí để được cấp chứng nhận lên tới hàng trăm triệu đồng.

VietGap - giải pháp căn bản cho cá tra

Trước những bất cập nêu trên, tiêu chuẩn VietGap sẽ được sử dụng làm nền tảng để doanh nghiệp, người nuôi cá tra tiếp tục tham gia vào SQF 1000, Global GAP, ASC. Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, Việt Nam sẽ ban hành VietGap cho cá tra, trong đó có đầy đủ những yêu cầu nuôi thủy sản bền vững của các bộ tiêu chuẩn quốc tế khác, khi cá tra Việt Nam xuất sang thị trường nào, trên cơ sở đã có VietGap, người nuôi sẽ chuyển sang các tiêu chuẩn khác dễ dàng hơn.

Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGap cho cá tra sẽ được Nhà nước hỗ trợ và chứng nhận miễn phí, nên chi phí áp dụng các tiêu chuẩn nuôi bền vững tiếp theo để đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ giảm một cách đáng kể. Sau khi đã có bộ tiêu chí này, nếu cơ sở nuôi thủy sản đã đạt được các chỉ tiêu quy định trong VietGAP của Việt Nam thì mặc nhiên được các hệ thống chứng nhận độc lập công nhận những chỉ tiêu tương đương. Theo đó, việc thu phí hướng dẫn và thu phí chứng nhận cũng giảm tương ứng.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện cả nước khoảng khoảng 6.000 ha nuôi cá tra với sản lượng 1,35 triệu tấn cá. Các vùng nuôi cá tra thường tập trung hơn so với các đối tượng thủy sản khác, thường phân bố ở các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang nên việc áp dụng VietGap cho các vùng nuôi cá tra này không khó.

Theo VASEP, hiện cả nước 45 vùng nuôi cá tra với tổng diện tích trên 1.000 ha đạt chứng nhận GlobalGAP (chủ yếu là vùng nguyên liệu của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu). Ngoài ra, còn có 18 vùng và trại nuôi khác với diện tích hơn 237ha đang tiến hành xây dựng tiêu chuẩn hoặc chờ được cấp chứng nhận GlobalGAP. Bên cạnh đó, nhiều vùng nuôi của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam còn đạt được các chứng nhận khác như: SQF 1000 với diện tích 209,5 ha, AquaGAP với diện tích 88,796 ha, BAP với diện tích 102 ha, FOS với diện tích  60ha./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên