Vietnam Airlines đề xuất được miễn thuế môi trường, tăng trần giá vé máy bay
VOV.VN - Vietnam Airlines kiến nghị miễn thuế môi trường, tăng trần giá vé bay. Lý do là các doanh nghiệp hàng không đang gặp rất nhiều khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh khi giá xăng dầu liên tục lập đỉnh và ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ông Lê Hồng Hà-Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mới đây đã có văn bản gửi các Bộ: Tài chính, GTVT liên quan ảnh hưởng tăng giá dầu với hoạt động khai thác của doanh nghiệp này.
Cụ thể, lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Doanh nghiệp này cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh giá trần vé máy bay áp dụng từ 1/4/2022 cũng như chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa.
Theo ông Hà, mạng bay quốc tế thường lệ đi/đến Việt Nam tiếp tục “đóng băng” trong cả năm 2021, chỉ còn đối tượng khách chuyên gia hoặc công dân hồi hương, hoạt động vận tải hành khách quốc tế thường lệ hoàn toàn đình trệ. Tính chung cả năm, tổng thị trường quốc tế chỉ đạt gần 500 nghìn khách, bằng 1,4% so với trước đại dịch (2019).
"Đối với thị trường nội địa, dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam vào cao điểm Tết và cao điểm hè, nhu cầu đi lại của hành khách giảm mạnh. Tổng thị trường nội địa đạt khoảng 14,6 triệu khách, giảm 61% so 2019. Các hãng hàng không Việt Nam hầu như chỉ có thể khai thác được trên 60% công suất đội tàu bay, trong đó riêng Vietnam Airlines chỉ đạt 40%”, ông Hà nói.
Ông Hà cho biết, năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với Vietnam Airlines là nghiêm trọng nhất. Nhiều thời điểm hầu như không có chuyến bay chở khách, sản lượng vận chuyển hành khách bằng 27% so với 2019. Cùng với hồi phục của nền kinh tế, thời gian vừa qua, giá dầu không ngừng tăng nhanh, tương ứng với giá nhiên liệu bay Jet Al tăng từ mức trung bình khoảng gần 73 USD/thùng năm 2021 lên mức khoảng hơn 100 USD/thùng.
Trong bối cảnh các yếu tố cơ bản đang hỗ trợ rất mạnh giá dầu, khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra từ 24/2/2022, giá dầu thô tiếp tục tăng nhanh, thậm chí có lúc lên tới 138 USD/thùng khi các quốc gia thảo luận về cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga đầu tháng 3/2022. Một số nhà phân tích dự báo giá dầu thô sẽ nhanh chóng đạt ngưỡng 150 USD/thùng, vượt mức giá kỷ lục 147 USD/thùng năm 2008.
Trường hợp này giá nhiên liệu bay Jet A1 sẽ tăng lên mức hơn 160 USD/thùng; không loại trừ những kịch bản xấu giá có thể còn tăng cao hơn nữa lên đến 200 USD/thùng.
Việc giá nhiên liệu bay Jet A1 trung bình đầu tháng 3/2022 đạt trên 130 USD/thùng đang khiến chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines tăng mạnh. Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng; nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỷ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến trong năm 2022.
Ông Hà cho biết, trong bối cảnh Vietnam Airlines đang nỗ lực để hồi phục mạng bay, tăng tần suất trở lại các đường bay, tìm kiếm cơ hội kinh doanh để tận dụng cơ hội thị trường, việc chi phí khai thác không ngừng tăng cao do yếu tố khách quan không kiểm soát nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn là giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị miễn thuế bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định việc áp dụng miễn giảm 100% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không trong năm 2022 là cần thiết. Trong trường hợp áp dụng chính sách này, riêng Vietnam Airlines sẽ tiết giảm thêm được 600 tỷ đồng.
Cùng đó, hãng này cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép các hàng không triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa.
"Theo thông lệ quốc tế, trước đây, khi giá nhiên liệu luôn biến động, các hãng hàng không đã tách phần phụ thu nhiên liệu ra khỏi giá vé để chủ động điều chỉnh giá bán nhằm bù đắp một phần chi phí nhiên liệu tăng cao. Với việc giá dầu ngày càng khó dự báo và phụ thuộc nhiều vào các biến động kinh tế, chính trị, việc triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa cũng là một giải pháp nhằm tạo sự linh hoạt cho các hãng điều chỉnh giá bán trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường trong khi không ảnh hưởng đến các chính sách giá của Chính phủ hiện nay", ông Hà cho biết.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vietnam Airlines, chính sách này cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá, đặc biệt là xác định và quy định các mức phụ thu theo các mức giá dầu để đảm bảo tính phù hợp, đúng nghĩa góp phần bù đắp kịp thời chi phí cho các hãng khi giá dầu tăng.
Trước mắt, ông Hà cho rằng phương án sửa đổi quy định về giá trần sẽ khả thi và kịp thời hơn. Cụ thể, về pháp lý, để điều chỉnh giá trần, Bộ GTVT chỉ cần sửa Thông tư 17/2012.
“Thực tế, mức giá trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không quy định tại Thông tư 17 đã được áp dụng từ năm 2015 không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa. Giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, gồm dải giá với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé và tình hình thị trường", ông Hà nhìn nhận.
Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hành khách không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, để một mặt có thể bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng, mặt khác có điều kiện cải thiện chất lượng dịch vụ tương xứng với giá vé cho đối tượng khách có khả năng chi trả cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đồng thời đảm bảo các quy định về giá bán hiện hành./.