Viettel bất ngờ đề xuất giảm cước di động ngoại mạng
Tại hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm lãnh đạo Viettel đã đưa ra đề xuất giảm giá cước ngoại mạng bằng với cước gọi nội mạng.
Ông Hoàng Sơn đề xuất xin được giảm giá cước thoại với mong muốn muốn kích thích tiêu dùng và hỗ trợ khách hàng sử dụng trong điều kiện hoàn cảnh kinh tế hiện nay.
“Viettel đề nghị Bộ cho phép sử dụng một đơn giá cước, tức là một mức giá cước đối với gọi nội mạng và ngoại mạng. Đương nhiên cuộc gọi nội mạng rất nhiều và ngoại mạng rất ít. Do đó việc áp dụng cùng một đơn giá sẽ thuận lợi cho khách hàng, vì họ sẽ không còn phải nghĩ trong đầu gọi nội mạng giá bao nhiêu và ngoại mạng giá bao nhiêu”, ông Sơn phân tích.
Lãnh đạo Viettel cho hay, động thái này nhằm khuyến khích tiêu dùng và hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong việc sử dụng dịch vụ di động. Hiện cước ngoại mạng cao hơn 12,6% so với nội mạng. Nếu đề xuất giảm cước được chấp thuận, trước mắt Viettel sẽ giảm khoảng 77 tỷ đồng doanh thu mỗi tháng, "nhưng về lâu dài sẽ tăng được doanh thu cho nhà mạng nhờ kích cầu".
Đây cũng được xem là giải pháp trước xu hướng dịch vụ thoại giảm và nhu cầu sử dụng dữ liệu (Internet di động - 2G/3G) tăng mạnh. Ngoài ra, các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí qua Internet (OTT) vẫn tạo nhiều sức ép lên doanh nghiệp viễn thông cũng như "miếng bánh" thoại.
Cũng trong hội nghị này, ông Hoàng Sơn đã đề nghị Bộ cho giữ nguyên giá dịch vụ 3G như hiện nay. Theo lý giải của Phó tổng giám đốc doanh nghiệp này, lưu lượng và thuê bao sử dụng 3G đều tăng nên giữ giá là điều hợp lý. Ông cho biết số người dùng 3G đã tăng 4,5 triệu lên gần 7 triệu khách hàng, trong đó có 2,5 triệu khách hàng chuyển từ 2G sang.
Trước đề xuất giảm giá thoại và giữ nguyên cước 3G của đại diện Viettel, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định việc điều chỉnh giá thế nào là do doanh nghiệp tự quyết. Tuy nhiên, ông Hải khẳng định sẽ yêu cầu Viettel cũng như doanh nghiệp viễn thông khác báo cáo giá thành dịch vụ di động.
"Nếu họ chứng minh được việc giữ hoặc điều chỉnh không khiến giá dịch vụ bán dưới giá thành thì sẽ xem xét", ông cho biết. Giá thành sẽ là cơ sở để Bộ phê duyệt các đề xuất của nhà mạng về điều chỉnh cước. Theo Luật Viễn thông, những doanh nghiệp có thị phần hạn chế (giữ trên 30% như Viettel, Mobifone, Vinaphone) không được bán dịch vụ dưới giá thành, tránh phá giá và có thêm cơ hội cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ hơn./.