Vinacomin đã ký kết nhập khẩu 20 triệu tấn than/năm
Vinacomin đã ký các Biên bản ghi nhớ, Hợp đồng nguyên tắc và 1 Thoả thuận cung cấp than dài hạn.
Sắp tới dự kiến nhu cầu nhập khẩu than cho sản xuất điện là rất lớn và sang năm 2016 Việt Nam sẽ bắt đầu phải nhập khẩu. Tuy nhiên, việc nhập khẩu than dài hạn với khối lượng lớn là vô cùng khó khăn. Bộ Công Thương cho biết công tác chuẩn bị nguồn than đang được triển khai tích cực nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quy hoạch điện VII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030), nguồn nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn điện của Việt Nam, vì vậy trong thời gian tới, nhu cầu than cho phát điện ngày càng cao trong khi đó sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Như vậy, nhập khẩu than để bù đắp cho sự mất cân đối lớn giữa năng lực sản xuất với nhu cầu là điều không thể tránh khỏi.
Bộ Công Thương cho biết từ năm 2016, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than phục vụ các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện với khối lượng dự kiến như sau: năm 2016 khoảng 3-4 triệu tấn; năm 2020 khoảng 35 triệu tấn; năm 2025 khoảng 80 triệu tấn, năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.
Theo nhiều chuyên gia, nguồn nhập khẩu than là chưa đảm bảo. Hiện có 4 nguồn mà Việt Nam có thể nhập khẩu than gồm: Indonesia, Australia, Nga, Nam Phi. Hai đối tác Australia và Indonesia có tính khả thi cao hơn, đây cũng là hai nhà cung cấp than chủ chốt cho các nền kinh tế lớn ở châu Á. Song phần lớn than của họ đã có người mua, nếu mua được thường phải mua qua nước thứ ba, hơn nữa họ có chủ trương tăng mức thuế xuất khẩu.
Thị trường Nga, Nam Phi dù có tiềm năng lớn nhưng địa lý xa xôi, việc khai thác, vận chuyển sẽ có nhiều khó khăn và làm tăng chi phí. Hơn nữa, các nước xuất khẩu than đang hạn chế xuất khẩu, xu thế sử dụng than trên thế giới đang tăng cao, vì vậy sự cạnh tranh để có nguồn than ổn định ngày càng khốc liệt, việc mua than của ta càng khó khăn hơn.
Bài toán đầu tư khai thác mỏ ở nước ngoài đã được tính đến song giải pháp này không đơn giản do nguồn tài chính đầu tư rất lớn, chưa kể, việc đầu tư sẽ có nhiều rủi ro, mạo hiểm.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, đến nay, Vinacomin đã ký 10 Biên bản ghi nhớ, 1 Hợp đồng nguyên tắc với một số công ty than của Indonesia, Australia; Công ty Sojitz, Marubeni, Sumitomo của Nhật Bản và 1 Thoả thuận cung cấp than dài hạn với Công ty ASPECT Resources của Australia với tổng khối lượng than đã ký kết khoảng trên 20 triệu tấn/năm.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã ký được 4 Hợp đồng khung về cung cấp than với các đối tác Ensham Coal Sales và Peabody của Australia, Tuah Turangga Agung của Inđônêxia, Sojitz Corporation của Nhật Bản và 1 Biên bản ghi nhớ với Noble Group của Indonesia với tổng khối lượng than đã ký khoảng 10 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện của PVN./.