Vinacomin phải giữ bí mật kinh doanh 2 dự án bauxite
(VOV) -Vinacomin cho rằng, đây là mức thuế bình thường áp cho alumin so nhiều nước thế giới.
Bên lề kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, ông Trần Xuân Hòa - Chủ tịch HĐTV Vinacomin có cuộc trao đổi với báo chí về hai dự án bauxite ở Tây Nguyên.
Ông Trần Xuân Hòa - Chủ tịch HĐTV Vinacomin |
PV: Thưa ông, lý do tại sao câu chuyện giá cả, giá thành sản xuất sản phẩm ở hai dự án bauxite ở Tây Nguyên đến thời điểm này không được công khai?
Ông Trần Xuân Hòa: Điều quan trọng tôi muốn nói là có bao giờ có thể biết được sản phẩm của nước ngoài đang sản xuất giá thành là bao nhiêu? Không ai biết điều đó. Đó là những bí mật của doanh nghiệp, sự cạnh tranh. Trong khi DN mình thì cứ tung lên tất cả và bản thân điều là tự giết mình. DN thì phải tính toán chứ không phải vì việc này việc khác.
Giờ hai nhà máy đã làm ra sản phẩm và từ giờ đến cuối năm sẽ có những quyết định tiếp theo rất lớn của Chính phủ về vấn đề này. Cái đó thuộc về những vấn đề cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà mong có sự hiểu, cảm thông của truyền thông.
PV: Với cả 2 nhà máy, Tân Rai, Nhân Cơ, vận chuyển bằng đường bộ quá dài sẽ làm sản phẩm mất sức cạnh tranh. Tân Rai thì đã rõ nhưng Nhân Cơ hiện mới chỉ đầu tư 6.000 tỷ đồng trong khi nếu đầu tư hết thì phải 11.000 tỷ. Trong khi chưa thể khẳng định Tân Rai hết lỗ vào thời điểm nào và khi đó thị trường thế giới có biến chuyển thuận lợi hơn không thì tạm dừng Nhân Cơ cũng là một hướng hợp lý. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Xuân Hòa: Tôi nghĩ chỉ trong vòng 2-3 tháng nữa thôi các bạn sẽ thấy được quyết định rất quan trọng của việc phát triển bauxite ở Đắc Nông. Tất cả sẽ được giải quyết tại chỗ, kể cả những vấn đề về vận chuyển, xuất khẩu. Nhưng như đã nói, tất cả những vấn đề đó là một phần của bí mật kinh doanh, thương trường có những mặt mà đến phút chót, khi đã tiến hành mới có thể công bố được. Còn giờ, cạnh tranh quốc tế mà cứ phải đưa hết những vấn đề đó ra rất khó cho chúng tôi.
Các bạn cũng cần phải tin là ngoài tập đoàn ra còn phải có các bộ tư vấn, giám sát. Tôi nghĩ sự tin tưởng là điều quan trọng lúc này để giúp cho DN vượt qua khó khăn. Trong giai đoạn này, không chỉ DNNN mà tất cả các DN đều đang rất khó khăn. Những gì sai trái đã có cơ quan pháp luật còn những gì thuộc về bí quyết kinh doanh để đảm bảo bí mật cạnh tranh xin ủng hộ chúng tôi.
PV: Vậy nghĩa là lo lắng của các nhà khoa học về dự án này là không có căn cứ?
Ông Trần Xuân Hòa: Điều này có khác gì lo lắng của các nhà khoa học về dự án đồng Sinh Quyền. Nếu giở lại báo chí về dự án này 2 -3 năm trước thì không khác gì nhưng rõ ràng đến thời điểm này đây là dự án tốt nhất của Tổng Công ty khoáng sản. Có những vấn đề đó vì thực chất trước đến giờ đã khi nào chúng ta làm những dự án thế này đâu. Tất cả các nhà khoa học hay công nghệ đều phải học tập ở nước ngoài. Chúng tôi cũng vậy, cũng đều phải học tập, tiếp thu từ chuyên gia nước ngoài để vận hành thử nghiệm đầu tiên. Và sau đó, quy trình phát triển, theo quy hoạch của Chính phủ thì sẽ đào tạo được một đội ngũ nắm công nghệ - quan trọng nhất là thế.
Thế giới cũng đánh thuế alumin 0%
PV: Vừa rồi dư luận cũng có ý kiến nhiều về việc sản xuất quặng nhôm nhưng alumin là quặng đã qua quá trình chế biến sâu. Vậy thuế suất 0% với sản phẩm này có phải là ưu đãi vô lý?
Ông Trần Xuân Hòa: Tôi nghĩ lkhông phải ai cũng hiểu hết được sự khác nhau giữa quặng nhôm và alumin bởi vì cũng đã có mấy ai đi sâu vào công nghệ này đâu. Phải đầu tư hàng trăm triệu USD để chế biến sâu như vậy. Trên thế giới đâu chỉ có Việt Nam đánh thuế suất xuất khẩu bằng 0% với sản phẩm. Các nước đều như thế, đầu tư chế biến sâu với 1 lượng công nghệ như thế.
PV: Vấn đề công nghệ đối với dự án, được biết, Chalico sẽ ra sản phẩm với tạp chất còn thấp hơn Puchiney nhưng cũng còn có ý kiến cho rằng công nghệ hiện tại tiêu hao nước lớn trong khi thiếu nước là vấn đề lớn ở Tây Nguyên. Đặc điểm khác ở khu vực cũng là mưa theo mùa trong khi nhà máy phải vận hành liên tục, công suất chế biến phải đạt 600.000 tấn/năm trở lên mới đảm bảo có hiệu quả?
Ông Trần Xuân Hòa: Ở mỗi dự án đều có những hồ chứa không chỉ đảm bảo cho sản xuất mà ngay cả mùa khô vừa rồi cũng là cứu cánh cho đồng bào trong khu vực để phục vụ cho tưới tiêu cây công nghiệp. Nếu lên Tây Nguyên giờ thấy rất rõ điều đó. Ở những nơi khác người dân có thể phải mua hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn/mét khối nước nhưng khu vực nhà máy chúng tôi ở đó, theo chỉ đạo của tỉnh, đã lấy từ hồ chứa đó để cấp nước cho bà con tưới cây trong mùa nắng hạn vừa qua. Điều đó lại hoàn toàn khác. Mỗi dự án đều tính toán cả việc đảm bảo tưới tiêu cho khu vực. Chúng ta làm đập để ngăn giữ nước lại là thế. Hồ điều hòa cơ bản đã làm được nhiệm vụ đó.
PV: Dự án khi trình Bộ Chính trị thông qua đã nêu rõ mục tiêu 2011 sẽ có lãi, có hiệu quả, sẽ trích lại một phần lợi nhuận cho các tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng để đầu tư lại cho địa phương. Khi đó các địa phương đã lên tiếng ủng hộ vì những hứa hẹn này. Nhưng lời hứa đó đến nay rõ ràng đã chậm. Ông đánh giá việc này do khách quan hay chủ quan?
Ông Trần Xuân Hòa: Việc chậm này mang tính khách quan ở chỗ, sau khi có sự cố hồ bùn đỏ, phải dừng lại để tư vấn giám sát đánh giá lại hết, tổ chức các đoàn sang Hungary để xem xét, có biện pháp nâng cấp đảm bảo an toàn cho hồ bùn đỏ.
Tất nhiên bên cạnh đó có mặt chủ quan như đường sá vận chuyển các thiết bị cồng kềnh, siêu trường siêu trọng hay những vấn đề nhân công của các thầu phụ không đáp ứng.
Nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân khách quan đem lại, một thời gian trước những lo lắng của dư luận xã hội Bộ Công thương đã có chỉ đạo để tập đoàn tạm dừng đi khảo sát tất cả hồ bùn đỏ và phải có báo cáo, giải trình các ý kiến của các nhà khoa học để nâng độ an toàn của hồ bùn đỏ.
PV: 2 tháng nữa sẽ đưa ra quyết định cuối cùng nhưng tinh thần là dự án Nhân Cơ vẫn tiếp tục. Ngần ấy năm triển khai đều đã tranh cãi qua lại. Vậy nên chăng chúng ta nên chủ động đưa ra quốc hội để có quyết định cuối cùng?
Ông Trần Xuân Hòa: Dự án này không thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà đã phân cấp cho Chính phủ. Chúng tôi cũng đã tổ chức họp báo đầy đủ về những vấn đề đó.
Chúng tôi đã triển khai theo sự phân công của Chính phủ và đảm bảo các tiêu chí mà đề án đề ra.
Cá nhân tôi nghĩ, bằng quyết tâm cao, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự đồng lòng của không chỉ Vinacomin mà các thành phần kinh tế khác, dần dần sẽ thấy hiệu quả. Quay lại dự án Sinh Quyền trước đây, tôi tin rằng dự án alumin nhôm cũng sẽ vậy. Điều bất lợi là đúng lúc triển khai nhà máy vào giai đoạn kinh tế khủng hoảng. Khi đó, không chỉ alumin mà ngành khoáng sản nói chung, ngay cả mặt hàng gạo cũng khủng hoảng. Cho nên chúng ta không nên quá lo lắng mà phải cùng nhau vượt qua. Chúng tôi với trách nhiệm của DN cũng phải bươn chải, phải tìm đường ra và thời gian sẽ chứng minh.
PV: Xin cảm ơn ông!/.