Vinalines đang nợ trên 43.000 tỷ đồng

Chính phủ sẽ chỉ đạo tái cơ cấu mạnh mẽ Vinalines, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải.

Báo cáo trước Quốc hội sáng 15/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là một doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, đã có giai đoạn phát triển tốt, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trước hết là do những yếu kém, hạn chế của lãnh đạo Tổng công ty, trong mấy năm gần đây, Tổng công ty liên tục gặp nhiều khó khăn.

Những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh cùng những sai phạm của lãnh đạo Tổng công ty không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và quy định của pháp luật, gây lãng phí, thất thoát lớn vốn, tài sản của nhà nước mới được phát hiện gần đây đang là vấn đề gây bức xúc, được Quốc hội và nhân dân quan tâm. Chính phủ đã và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ, nhất là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới đây, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ chỉ đạo tái cơ cấu mạnh mẽ Tổng công ty, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải, đẩy mạnh cổ phần hoá, củng cố về tổ chức, nhân sự, nâng cao năng lực quản trị, điều hành; thoái vốn tại những đơn vị không cần nắm giữ để tập trung vốn vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; rà soát tổng thể các dự án đang và sẽ đầu tư để cơ cấu lại cho phù hợp điều kiện thị trường, khả năng tài chính, đầu tư có hiệu quả hơn cả trong ngắn hạn và dài hạn. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để Tổng công ty ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước thực hiện tốt vai trò trong phát triển kinh tế biển.

Tại báo cáo số 146/BC-CP ngày 12/6/2012 về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, hiện nay, tình hình tài chính của Vinalines rất khó khăn. Tại thời điểm cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu của Vinalines đạt 9.411 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 55.853 tỷ đồng; nợ phải trả là 43.135 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 9.309 tỷ đồng và nợ dài hạn là 33.826 tỷ đồng.

Trong số nợ trên, nợ đầu tư vào tàu biển và các dự án cảng biển (chủ yếu là cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải), kho bãi và sửa chữa tàu là 34.552 tỷ đồng. Nợ quá hạn của Vinalines là 207 tỷ đồng.

Đáng chú ý, báo cáo cho biết Vinalines đang thiếu hụt dòng tiền để trả các khoản nợ đến hạn và đảm bảo vốn lưu động.

Về kết quả kinh doanh giai đoạn 2007 - 2010, báo cáo cho biết, Vinalines lãi 716 tỷ đồng năm 2007, năm 2008 lãi 897 tỷ đồng, năm 2009 lãi 317 tỷ đồng, năm 2010 lãi 142 tỷ đồng và năm 2011 lỗ 434 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho biết, 4 tháng đầu năm 2012 Vinalines tiếp tục lỗ và nhắc lại một lần nữa khẳng định: “tình hình tài chính của Vinalines đang rất khó khăn”.

Đánh giá về những nguyên nhân khiến Vinalines rơi vào tình cảnh khó khăn, báo cáo cho biết, Vinalines vay khá nhiều vốn để đầu tư nhưng chưa phát huy được hiệu quả, dẫn tới chi phí cao và nợ nhiều... Trong giai đoạn suy thoái, Vinalines vẫn tiếp tục đầu tư đội tàu, mở rộng quy mô, đầu tư mạnh trong lĩnh vực cảng biển...

Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất của Vinalines chưa hợp lý, một số doanh nghiệp vận tải biển thành lập quá nhiều đầu mối, đầu tư sang lĩnh vực khác, lập nhiều công ty con/cháu, đầu tư vào bất động sản, chứng khoán không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, nội bộ mất đoàn kết, kéo dài và sai phạm, tiêu cực trong quản lý sản xuất kinh doanh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên