Vinalines: Không thể tách bạch để quy trách nhiệm cho từng Bộ, ngành?
Sáng 22/8, trong phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ tại phiên họp thứ 10 của UBTVQH, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến vấn đề thanh tra tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thời gian qua.
Đại biểu Triệu Thị Nái – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội mở đầu phiên chất vấn bằng việc thanh tra, kiểm tra trong tổng công ty, tập đoàn Nhà nước.
Theo bà Nái, trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ về tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có nhiều vi phạm, dẫn tới thua lỗ hàng chục tỉ đồng, vậy nguyên nhân của sai phạm này là do đâu và Thanh tra Chính phủ đã có những tham mưu gì của Chính phủ để khắc phục những sai phạm này.
Ông Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, theo đánh giá bước đầu trong kết luận thanh tra một số tổng công ty, tập đoàn vừa qua nổi lên 5 khuyết điểm vi phạm, thể hiện tập trung ở 5 nguyên nhân, đó là: Việc quản lý vốn tài sản Nhà nước có nhiều sơ sở yếu kém, gây lãng phí, và khả năng gây thất thoát vốn. Hiện nay tình trạng công nợ cao rất cao, đặc biệt công nợ khó đòi chiếm tỉ lệ lớn; Một số tập đoàn vừa qua đầu tư dàn trải, điều chỉnh vốn của một dự án thì tăng vốn nhiều lần, sức đầu tư tăng cao có những quyết định đầu tư sai thẩm quyền chưa đúng với quy định của Nhà nước; Đầu tư ngoài ngành vượt tỉ lệ cho phép, hiệu quả không cao, khả năng gây thoát vốn; Khâu hoạch toán, kế toán của một số tập đoàn thiếu chính xác làm cho việc phản ánh hiệu quả sản xuất không đúng với bản chất của nó, có khi gây giả tạo, từ đó đánh giá hiệu quả, kết quả chưa đúng; Cuối cùng là công tác quản trị doanh nghiệp chưa tốt, khâu kiểm tra, giám sát nội bộ chưa thực hiện đầy đủ. Đặc biệt việc vi phạm pháp luật, có một số vụ việc làm trái trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đại biểu Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề, trong vụ việc sai phạm của Vinalines, căn cứ nào mà Thanh tra Chính phủ loại bỏ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan, đối với vụ việc và trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong vấn đề này.
Đối với 5 tổng công ty, tập đoàn Nhà nước phát hiện sai phạm khoảng 30.000 tỉ đồng, vậy Thanh tra Chính phủ có xác định được 4 trường hợp còn lại hay cũng chỉ quy trách nhiệm cho lãnh đạo doanh nghiệp như kết luận về Vinalines.
Ông Tranh cho biết, trong thực hiện thanh tra tập đoàn và thanh tra các cơ quan Nhà nước nói chung, thông thường thanh tra chấp hành các quy định của pháp luật, các đơn vị đó là trực tiếp, còn các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ của thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm kiến nghị để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan đó.
Cụ thể đối với Vinalines, sau khi xem xét trách nhiệm của Chủ tịch tập đoàn, ban giám đốc, Thanh tra Chính phủ có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và thực hiện việc đánh giá khuyết điểm của các cơ quan này như: Chỉ đạo Bộ GTVT rà soát một số đăng ký mua tàu biển, chuẩn tàu, tuổi tàu; Chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xem xét quy định về quản lý vốn, điều bạt cán bộ.
Đối với trách nhiệm của từng Bộ, ngành trong những sai phạm này, Thanh tra Chính phủ không thể tách bạch những vấn đề này trên khía cạnh quản lý Nhà nước. Lý giải cho nguyên nhân này, ông Tranh nói: Cán bộ của Thanh tra Chính phủ, và hoạt động của Thanh tra Chính phủ rất rộng, có những tập đoàn, tổng công ty lớn nên Thanh tra Chính phủ không thể làm hết tất cả nên chỉ tập trung vào những vấn đề như: Vốn, tài sản, đầu tư…
Bổ sung cho câu hỏi của đại biểu về Vinalines, ông Vương Đình Huệ -Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết, Bộ Tài chính nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ và khẳng định, khuyết điểm, thiếu sót của Vinalines là do trách nhiệm của chủ tịch hội đồng thành viên, của hội đồng thành viên, các tổng giám đốc các công ty con…
Đối với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ có kiến nghị, thu hồi và nộp ngân sách Nhà nước hơn 8 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp của 4 công ty của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng Cục thuế truy thu đầy đủ nộp vào ngân sách nhà nước.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài Chính rà soát sửa đổi, bổ sung quy định quản lý vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, đặc biệt quản lý người sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trách nhiệm của người sử dụng vốn.
Trách nhiệm của Bộ, ngành trong vấn đề này, ông Huệ cho rằng nảy sinh hai yếu tố là: Chậm ban hành chính sách và trong chính sách còn sở hở, công tác thanh tra, giám sát cũng chưa được toàn vẹn.
Tại buổi chất vấn, đại biểu cũng nêu trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong vụ việc của ông Dương Chí Dũng. Đại biểu Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, trả lời trước Quốc hội về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã đề cập đến việc thiếu sự phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và Bộ GTVT.
Khi ông Dũng được bổ nhiệm chức vụ mới thì quá trình thanh tra vẫn chưa hoàn thành. Thực tế 10 ngày sau khi ông Dũng được thuyên chuyển thì Thanh tra Chính phủ vẫn phải tiếp tục làm việc với Vinalines, trong khi đó, ở thời điểm này ông Dũng không còn là người đứng đầu Vinalines- đối tượng đang bị thanh tra nữa. Như vậy có thể nói, việc thuyên chuyển ông Dũng không làm ảnh hưởng đến kết luận thanh tra như ông Tranh đã trả lời trước Quốc hội. Thay vì kiến nghị việc ngừng thuyên chuyển ông Dũng thì Thanh tra Chính phủ lại im lặng. Bà Nga nói: “Trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong việc dẫn đến ông Dũng được bổ nhiệm trong lúc đang thanh tra là như thế nào?”
Về trường hợp ông Dương Chí Dũng, ông Tranh cho biết, về quy định của thanh tra là làm theo pháp luật, nhưng về công tác cán bộ Thanh tra Chính phủ không có trách nhiệm, không có thẩm quyền.
Ông Dương Chí Dũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên, trực tiếp do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, điều động nên việc ông Dũng thuyên chuyển vào thời điểm chưa phát hiện vi phạm. Cơ quan thuyên chuyển không tham khảo ý kiến của thanh tra. Vì vậy trong quá trình thực hiện thanh tra Thanh tra Chính phủ không thể cản trở việc điều động, thuyên chuyển cán bộ trong lúc những người đó chưa có dấu hiệu vi phạm./.