Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế động lực của cả nước
VOV.VN -Dù Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện nghiêm tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng thực tế nhiều nơi, nhiều địa phương, tình trạng lãng phí vẫn phổ biến.
Từ một tỉnh thuần nông, phải dựa chủ yếu vào ngân sách Trung ương, đến nay Vĩnh Phúc đã trở thành một trong số ít tỉnh, thành có công nghiệp phát triển, có điều tiết về ngân sách Trung ương với tổng thu đạt trên 32.500 tỷ VND.
Để có kết quả này, bên cạnh việc làm tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức... Vĩnh Phúc còn có những chủ trương đột phá, thu hút đầu tư mạnh mẽ nhờ phát huy lợi thế.
Nhân dịp 20 năm ngày tái lập tỉnh, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc về những kinh nghiệm, kết quả mà Vĩnh Phúc đạt được sau hơn 1 năm triển khai nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
PV: Xin bà cho biết, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn đảng và sắp xếp tổ chức bộ máy của tỉnh thời gian qua được thực hiện như thế nào?
Bà Hoàng Thị Thúy Lan: Ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được ban hành, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị quán triệt đến toàn thể cán bộ chủ chốt những nội dung cơ bản, trọng tâm của Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ (Nghị quyết TW 4, Khóa XII).
Tỉnh ủy cũng đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn việc triển khai thực hiện trên toàn địa bàn tỉnh và thành lập Đoàn công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại một số đơn vị. Chúng tôi coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, giúp các cán bộ, đảng viên nắm được những nội dung cốt lõi của Nghị quyết, đặc biệt là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa và những nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Tỉnh đã gắn việc thực hiện các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ngay trong đợt kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm 2016 với tất cả các cấp ủy đảng và kết thúc có kết luận, thông báo rõ những việc phải làm ngay.
Kết quả bước đầu việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cho thấy, các cấp ủy đảng đã quyết liệt, sâu sát hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được nâng lên, kỷ luật, kỷ cương, phong cách, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà dư luận và nhân dân quan tâm được các cấp, các ngành chủ động giải quyết.
Cùng với đó, để đảm bảo thực hiện Nghị quyết một các nghiêm túc, thận trọng, hiệu quả, tránh tình trạng hình thức, không thực chất, các cấp ủy đảng đã đề ra các giải pháp mang tính đồng bộ, lâu dài, đồng thời cũng xác định được những việc cần làm ngay sau khi quán triệt Nghị quyết gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm đã đề ra.
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30-11-2016 về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Mục đích của Đề án là rà soát, sắp xếp lại bộ máy trong các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan hành chính, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, thực sự hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng với yêu cầu phát triển của tỉnh; tăng dần tự chủ kinh phí, giảm chi phí ngân sách; giải thể hoặc tổ chức lại các cơ quan, đơn vị hoạt động không hiệu quả. Dần khắc phục tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị, tổ chức còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ chồng chéo; số lượng công chức, viên chức đông, nhưng chưa tinh; cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn nhiều, nhưng hiệu quả hoạt động còn thấp.
Thời gian qua tỉnh đã tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu, rộng chủ trương, nội dung của Đề án đến tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị để tạo sự đồng thuận và tổ chức thực hiện dần các nội dung của Đề án. Đây là việc khó, nhạy cảm, nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, với lộ trình và bước đi phù hợp, tin tưởng rằng Vĩnh Phúc sẽ thực hiện thành công Đề án.
PV: Tại Hội nghị xúc tiến đầu được tổ chức tại Vĩnh Phúc vùa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng Vĩnh Phúc sẽ phát triển nhanh và bền vững dựa trên những lợi thế so sánh của tỉnh, trở thành trung tâm kinh tế động lực Bắc Bộ và cả nước, một thành phố công nghiệp, dịch vụ, một thành phố hấp dẫn đầu tư... Kỳ vọng đó hẳn là có cơ sở, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Thúy Lan: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI đã xác định chủ đề là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, huy động mọi nguồn lực; phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.
Một trong những mục tiêu quan trọng Đại hội đã xác định là xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của Vùng và cả nước. Hơn một năm qua, bằng những giải pháp thiết thực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tạo được chuyển biến rõ nét.
Phát huy lợi thế của tỉnh nằm trong Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, tỉnh luôn xác định công tác quy hoạch phải đi trước nên đã sớm lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc và quy hoạch Vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch phân khu; Quy hoạch phát triển công nghiệp; Quy hoạch các khu du lịch trọng điểm; Chương trình phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030; các quy hoạch ngành, lĩnh vực chủ yếu.
Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để triển khai thực hiện. Vĩnh Phúc đã lựa chọn các vấn đề có tính đột phá như: Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; Đẩy mạnh cải cách hành chính; tích cực bồi thường, GPMB; Cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch. Chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát cơ chế, chính sách; tiến hành tổng kết các chương trình, đề án để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; xem xét, giải quyết trực tiếp tại cơ sở các vấn đề thực tiễn phát sinh ở từng lĩnh vực.
Điểm nhấn của Vĩnh Phúc là hết sức quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang đầu tư ở tỉnh, tạo môi trường tốt cho họ và từ đó các DN này lan tỏa thông tin đến các tỉnh, thành, quốc gia , tăng cường đầu tư vào Vĩnh Phúc, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động địa phương.
Một trong những thành tựu nổi bật sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI phải kể đến lĩnh vực kinh tế. Kết quả của những nỗ lực sát cánh cùng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng hiệu quả, năng suất lao động, khai thác tiềm năng du lịch là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 8,56%, vượt kế hoạch năm, cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Thu ngân sách nhà nước năm tăng nhanh, trong đó năm 2016 thu nội địa hơn 29 nghìn tỷ đồng, là địa phương có số thu nội địa đứng thứ 2 miền Bắc. Công nghiệp tiếp tục khẳng định vị trí là ngành kinh tế chủ lực với tổng giá trị sản xuất năm 2016 đạt 31.860 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2015.
Nhiều dự án trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ được triển khai. Việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn, dồn thửa đổi ruộng, thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao đã đem đến cho ngành nông nghiệp của tỉnh một bước tiến mới. Cuối năm 2016, lần đầu tiên sản phẩm thanh long ruột đỏ của tỉnh đã được xuất khẩu sang thị trường Malaysia, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Phúc.
Các “nút thắt” gây cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội từng bước được tháo gỡ. Điển hình là việc đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB, nhất là ở các khu công nghiệp, dự án lớn, công trình trọng điểm; giải quyết cơ bản tình trạng trục lợi trong bồi thường, GPMB. Cải cách hành chính được tăng cường. Việc thực hiện Chính phủ điện tử trên địa bàn được triển khai tích cực. Thủ tục hành chính được thực hiện theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, giảm thời gian, nhất là các thủ tục liên quan đến thu hút đầu tư, hướng đến sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành triển khai xây dựng Đề án tổng thể xây dựng mô hình thành phố thông minh tỉnh Vĩnh Phúc.
Với nỗ lực, quyết tâm của toàn đảng bộ và nhân dân, cộng động doanh nghiệp trong tỉnh, tôi tin tưởng kỳ vọng của Thủ tướng, cũng là tầm nhìn mới của tỉnh sẽ sớm trở thành hiện thực.
PV: Vĩnh Phúc sau ngày tái lập (1/1/1997) là một tỉnh thuần nông, tổng thu ngân sách toàn tỉnh chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng... Vậy mà đến nay Vĩnh Phúc đã trở thành điểm sáng của cả nước trong thu hút đầu tư. Xin bà cho biết tỉnh đã làm gì để trở thành "bến đỗ" cho các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước?
Bà Hoàng Thị Thúy Lan: Đến nay Vĩnh Phúc đã thu hút được 237 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký trên 3,6 tỷ USD; 659 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) tổng vốn đăng ký trên 57.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thành công của Vĩnh Phúc không chỉ dựa vào vị trí địa lý thuận lợi, mà còn ở việc chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về hạ tầng, xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, với phương châm “nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc là công dân Vĩnh Phúc; thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”.
Không phải ngẫu nhiên mà trong vài năm trở lại đây, Vĩnh Phúc có bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng PCI từ vị trí 43 (năm 2012), luôn nằm trong top 10 trong 3 năm gần đây; đó là sự phấn đấu, nỗ lực rất lớn của toàn đảng bộ và chính quyền Vĩnh Phúc.
Công tác xúc tiến đầu tư được đổi mới theo hướng ưu tiên xúc tiến đầu tư tại chỗ, tức là quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đang thực hiện dự án tại tỉnh; hướng tới các đối tác tiềm năng, các nhà đầu tư lớn, các nước có nền công nghiệp phát triển.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư cuối năm 2016, số vốn các doanh nghiệp cam kết sẽ đầu tư vào Vĩnh Phúc là trên 6 tỷ USD. Vĩnh Phúc đã trở thành “bến đỗ” của nhiều nhà đầu tư lớn đến từ nhiều quốc gia như: Toyota, Honda (Nhật Bản), Piaggio (Italia), De Hus (Hà Lan), Patron Vina, Heasung Vina, Bangjoo, Cammsys (Hàn Quốc), SCG (Thái Lan) và các Tập đoàn lớn trong nước như: Vin Group, Sun Group, FLC, Bitexco…
Sau thành công của hội nghị xúc tiến đầu tư vào tháng 12-2016, được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hai tháng đầu năm 2017, tỉnh đã thu hút thêm 60,23 triệu USD từ 5 dự án FDI đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn.
Hiện Vĩnh Phúc đang tập trung cho 3 dự án lớn là dự án Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), dự án Trường đua ngựa của Tập đoàn Gomax (Hàn Quốc) và dự án Khu Du lịch Tam Đảo II (của Tập đoàn Sun Group). Riêng dự án “Trường đua ngựa” sẽ có nhiều tiềm năng thu hút lao động, việc làm (nuôi ngựa, trồng cỏ và các dịch vụ khác…) và trở thành một điểm du lịch – thể thao đặc biệt. Đây cũng là nét mới trong việc phát triển du lịch ở Vĩnh Phúc.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư ngày 28/3/2017 do tỉnh tổ chức tại Nhật Bản đã thu hút hơn 100 đại diện doanh nghiệp tham dự, trong đó có nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản. Những tín hiệu khả quan này cho thấy, việc thu hút đầu tư vào tỉnh sẽ tiếp tục tăng cao và nhiều khả năng đạt, vượt mục tiêu năm 2017, thu hút từ 180-200 triệu USD từ các dự án FDI và khoảng 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn DDI. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn ngày một tăng. Đến hết tháng 2/2017, toàn tỉnh có 7.550 doanh nghiệp thành lập với tổng số vốn đăng ký hơn 56 nghìn tỷ đồng.
Với sự quyết tâm và những chiến lược cụ thể, Vĩnh Phúc đã và đang hiện thực hóa mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ của cả nước, tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI.
PV: Để Vĩnh Phúc vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhất trong nhiệm kỳ này, trong thời gian tới, cụ thể là năm 2017, tỉnh có những giải pháp gì để biến quyết tâm, ước vọng thành hiện thực?
Bà Hoàng Thị Thúy Lan: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định các mục tiêu trong nhiệm kỳ 2015-2020 và đưa ra 5 nhiệm vụ, 12 giải pháp để tập trung lãnh đạo thực hiện. Đối với năm 2017, tỉnh xác định một số chỉ tiêu cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,5-8,0%; GRDP bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 33,81 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa 30,72 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1% so với năm 2016.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra, Vĩnh Phúc luôn bám sát các quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội từng năm và cả giai đoạn. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế, khuyến khích và thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.
Tiếp tục xác định công nghiệp là nền tảng, là động lực cho phát triển, tỉnh sẽ đẩy nhanh xây dựng hạ tầng các khu CN, ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Khuyến khích, tạo điều kiện để các dự án dịch vụ, du lịch, thương mại sớm được đầu tư và đưa vào khai thác, nhằm cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI là phát triển mạnh dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tổ chức lại sản xuất, gắn với thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của tỉnh về xúc tiến đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo chuyển biến rõ rệt về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, loại bỏ rào cản cho doanh nghiệp. Cùng với các giải pháp về phát triển kinh tế, tỉnh cũng rất quan tâm, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Cùng với những thành tựu sau 20 năm tái lập, những kết quả tỉnh đạt được sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội ở khu vực phía Bắc. Đây cũng là động lực, là tiền đề để Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân của Vĩnh Phúc trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề. Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt khó, xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Chính phủ và nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!