VN-Index có thể xuất hiện các nhịp rung lắc trước khi xuất hiện xu hướng bứt phá mới
VOV.VN - Trong phiên giao dịch hôm nay (7/1), áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.530 – 1.535 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.520 – 1.525 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.510 – 1.515 điểm.
Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp tiếp tục xu hướng khả quan
Phiên giao dịch ngày 6/1, mặc dù có lúc tăng hơn 14 điểm, tuy nhiên, áp lực bán tăng mạnh đã làm thu hẹp đáng kể đà tăng của chỉ số VN-Index, đóng cửa tăng hơn 6 điểm, mức trung bình trong ngày. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 6,07 điểm (+0,40%), đóng cửa ở mức 1.528,57 điểm. Thanh khoản HSX ở mức gần 1.134 triệu cổ phiếu (+7%), giá trị gần 35.400 tỷ đồng (+7%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (223 mã tăng/ 225 mã giảm).
Thị trường đóng cửa trong trạng thái xanh vỏ đỏ lòng, có đến 13/21 nhóm ngành giảm giá trong phiên 6/1. Trong đó, mức giảm mạnh nhất là các ngành thép (-2,3%), hàng tiêu dùng (-1,2%) và chứng khoán (-1,2%). Ở chiều ngược lại, bộ đôi cất động sản (+2,1%) và xây dựng (+1,4%) vẫn chưa hết nóng. Nhóm khu công nghiệp (+2,4%) cũng tăng mạnh.
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), dù đà tăng có phần thu hẹp về cuối phiên 6/1 do áp lực chốt lời gia tăng, nhưng đóng cửa vẫn là một tín hiệu rất lạc quan. Điều này hỗ trợ rất tốt cho quan điểm VN-Index đang trong xu hướng tăng điểm ngắn hạn để hướng tới ngưỡng kháng cự 1.545 điểm.
“Chúng tôi vẫn duy trì đánh giá khả quan về nhóm khu công nghiệp trong năm 2022 nhờ sự trở lại của dòng vốn FDI sau khi nền kinh tế hoàn toàn mở cửa”, chuyên gia của CSI nêu quan điểm.
Có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc
Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), đồ thị ngày 6/1 VN-Index xuất hiện cây nến ‘Shooting star’ thứ 2 tại vùng kháng cự 1.530 – 1.535 điểm, kèm thanh khoản cải thiện, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy áp lực bán có phần gia tăng và đà tăng bắt đầu chững lại. Tuy nhiên, xu hướng hiện tại vẫn là xu hướng tăng, và vùng giá mục tiêu gần nhất của mô hình ‘Symmetrical triangle’ được dự báo ở mức 1.555 – 1.560 điểm.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 7/1, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.530 – 1.535 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.520 – 1.525 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.510 – 1.515 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) nhận định, chỉ số VN-Index đã bước vào xu hướng tích lũy lại quanh vùng 1.520 điểm và nhiều khả năng sẽ có những nhịp rung lắc trước khi xuất hiện xu hướng bứt phá mới. Các mốc 1.470 và 1.480 điểm (tương ứng các đường trung bình động 20 và 50 ngày) hiện đã trở thành hỗ trợ “cứng” của chỉ số chung khi mà chỉ số ghi nhận những nhịp hồi phục tương đối tích cực sau khi kiểm định vùng này.
“Trong bối cảnh hiện tại, thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc trong một vài phiên tới và nhà đầu tư có thể tận dụng để tiếp tục gia tăng tỉ trọng cổ phiếu, tuy nhiên, cũng cần chú ý kiểm soát tỉ lệ đòn bẩy trong giai đoạn này để hạn chế rủi ro nếu chỉ số chung quay trở lại kiểm định vùng hỗ trợ quanh 1.500 điểm”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.