Vốn cho vay ở các ngân hàng dư thừa nhưng nông dân vẫn khó tiếp cận
VOV.VN - Các ngân hàng thương mại dư thừa vốn cho vay, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn nhưng nghịch lý là người dân lại khó tiếp cận bởi các quy định khó thực hiện.
Từ đầu năm 2020 tới nay Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên. Hiện nay lãi suất cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tối đa chỉ có 4,5%/năm – thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay.
Chính sách vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, từ 70% đến 80% giá trị dự án, phương án sản xuất kinh doanh đối với hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng - Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn.
Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30 của Chính phủ (chương trình 100.000 tỷ đồng) đến nay doanh số cho vay lũy kế đạt khoảng 65.000 tỷ đồng (đạt 65%).
Nhưng câu chuyện tiếp cận vốn vay cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của người nông dân vẫn không dễ dàng!
Ví dụ của nông dân Trần Thị Thanh Thoan xã Mộc Quan, thị xã Duy Tiên (Hà Nam): Người nông dân đầu tư cho dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đi thuê đất, xây dựng nhà kính, nhà lồng… sau khi đầu tư cơ sở vật chất nguồn vốn đã cạn. Lúc này, dự án cần vốn để đưa vào sản xuất nhưng khi đi thế chấp các tài sản đã đầu tư trên đất thì không được. Ngân hàng yêu cần có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp của địa phương, từ đó làm đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn.
“Ưu tiên vốn vay cho phát triển nông nghiệp nhưng có rất nhiều thủ tục ràng buộc, các yêu cầu khó thực hiện, đất đi thuê sao có được giấy chứng nhận quyền sở hữu” - bà Thoan nói.
Về vấn đề tài sản thế chấp của các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank thừa nhận, Ngân hành Nhà nước đã ban hành quy định tháo gỡ vướng mắc, quy chế thế chấp tài sản đảm bảo nhưng chưa cụ thể và còn nhiều bất cập khi thực hiện.
"Agribank rất mong muốn tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện Agribank hoàn toàn có quyền cho vay tín chấp, với gần 300.000 tỷ dư nợ tín chấp. Nhưng để cho vay tín chấp được thì ngoài vấn đề tài sản tín chấp, phương án sản xuất phải thực sự khả thi" - ông Vượng cho biết.
Cũng theo ông Vượng, Ngân hàng Agribank cũng như các ngân hàng thương mại khác, tính đến tháng 10/2020, vốn cho vay dư thừa rất nhiều. Agribank đang nỗ lực cho vay đối với cho vay lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao nhưng cũng đang chờ những hướng dẫn cụ thể tháo gỡ các bất cập về tài sản đảm bảo.
Nghịch lý vẫn đang diễn ra thừa vốn cho vay ở ngân hàng, các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có nhu cầu vay vốn và là các đối tượng thuộc diện ưu tiên trong chính sách nhưng quy định, rào cản về đảm bảo, đánh giá tài sản vẫn còn đó. Người nông dân vẫn chưa dễ dàng tiếp cận được vốn vay./.
Mặc dù đại dịch Covid-19 nhưng 9 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu nông sản ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất siêu đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2019 kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD.