Vốn FDI giảm trong tháng 1 liệu có đáng lo?
Nhiều phân tích cho thấy, thu hút FDI năm nay và năm tới có nhiều thuận lợi nhờ kinh tế vĩ mô ổn định hơn.
Khác với thành tích tăng cao đột biến của năm 2013, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2014 giảm bất ngờ trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư tiếp tục tìm đến Việt Nam và các thông tin về cơ hội thu hút đầu tư thuận lợi hơn. Đây có phải dấu hiệu đáng lo?
Tháng đầu tiên của năm 2014, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI mới và bổ sung vốn của các dự án đang hoạt động, theo Tổng cục thống kê, đạt hơn 397 triệu USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là một kết quả thấp trong bối cảnh vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm qua và đạt 21,6 tỉ USD.
Nhiều phân tích cho thấy, thu hút FDI năm nay và năm tới có nhiều thuận lợi hơn nhờ kinh tế vĩ mô trong nước ổn định hơn. Ngoài ra, theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng do kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng tốt hơn (Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong hai năm 2014-2015 tương ứng là 3,0% và 3,3%, cao hơn mức 2,2% trong năm 2013).
Khả năng Việt Nam sẽ thu hút vốn FDI cao hơn trong năm 2014 còn do yếu tố các nhà đầu tư muốn tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được kỳ vọng sẽ sớm được ký kết.
Mặt khác, từ cuối năm ngoái đến thời điểm hiện tại có khá nhiều thông tin các nhà đầu tư lớn có ý định đầu tư vào Việt Nam, như Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô và Tập đoàn Rose Rock đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án trị giá 2,5 tỉ USD tại Vịnh Vũng Rô, tỉnh Phú Yên với đầy đủ bến du thuyền, khách sạn, nhà hàng dọc ven biển.
Hay Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam, công ty con của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) vừa nhận giấy phép đầu tư 150 triệu USD để triển khai dự án sản xuất các linh kiện điện tử cho dự án sản xuất điện thoại Samsung ở Thái Nguyên…
Các chuyên gia cho rằng, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lao động giá rẻ dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn với 90 triệu dân cùng triển vọng từ các hiệp định như TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN... cũng giúp thu hút FDI vào Việt Nam trong năm tới.
Hoặc chỉ cần dự án tổ hợp lọc hóa dầu có ở khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) có vốn đăng ký khoảng 27 tỉ USD của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) được cấp phép thì vốn FDI năm nay đã vượt qua cả năm 2013.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng do nguồn vốn FDI đạt được vào năm ngoái mang tính đột biến và còn thiếu bền vững nên khả năng FDI 2014 đạt được mức 2013 là khó, ngoại trừ có một sự đột phá của 1-2 dự án có vốn đăng ký lớn khác.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kết quả thu hút FDI năm 2013 là ngoài sự mong đợi của cơ quan quản lý FDI. Ông Thắng nói khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung và môi trường đầu tư Việt Nam nói riêng sẽ ảnh hưởng tới lượng và chất của nguồn vốn FDI.
Theo ông Thắng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi các giải pháp tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả và quản lý nguồn vốn này trong giai đoạn tới. Các vấn đề cụ thể khác liên quan đến việc xem xét, chấp thuận về chủ trương đầu tư đối với một số dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP), các dự án đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, giải trí vui chơi có thưởng, y tế, giáo dục, phân phối và bán buôn bán lẻ.
Ngoài ra, ông Thắng cũng lưu ý đến việc thu hút FDI cũng phụ thuộc đến kết quả đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định TPP và khả năng thực tế của Việt Nam khi tham gia./.