Vốn ngân hàng phải đến đúng địa chỉ

(VOV) - Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất thấp chỉ phát huy hiệu quả nếu đến với những doanh nghiệp thực sự cần.

Sau động thái hạ lãi xuất huy động của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu ngân hàng hạ ngay lãi xuất cho vay vào tháng 4 nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp đang duy trì khoản vay cũ, họ vẫn phải chịu lãi suất cao. Còn những doanh nghiệp muốn vay mới, họ lại dè chừng vì hàng hóa ế ẩm. Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất thấp chỉ phát huy hiệu quả nếu đến với những doanh nghiệp thực sự cần.

Ông Doãn Huy Tuân, Giám đốc  Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngọc An tại 98 Thổ Quan – Đống Đa – Hà Nội cho biết: Dù lãi suất tiền gửi thời gian gần đây giảm khá mạnh, nhưng ông chỉ vay khi đã ký được hợp đồng và vay số vốn vừa đủ. Cho đến thời điểm này, tình hình thị trường thực sự chưa mấy sáng sủa, nên việc khôi phục sản xuất là không khả thi.

Ông Tuân cho rằng: khi Ngân hàng Nhà nước công bố hạ lãi suất trần huy động, các doanh nghiệp được xem xét gia hạn nợ, nhưng mức lãi suất cho vay không giảm, vẫn duy trì ở mức 15-17%.

Ông Doãn Huy Tuân nói: “Việc giảm lãi suất đương nhiên có hỗ trợ, góp phần giảm đầu vào đối với các doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn giảm tiếp lãi suất xuống như thời điểm năm 2005 - 2006 thì phù hợp hơn vì kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn”.

Đối với các khoản vay mới, tính đến thời điểm này, lãi suất cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh đã giảm xuống dưới mặt bằng 15% như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và đang phổ biến ở mức 13 - 14%/năm. Trong một số chương trình ưu đãi, lãi suất đối với khách hàng tốt thậm chí chỉ còn ở mức trên dưới 11%/năm.

Ông Nguyễn Huy Khánh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hưng cho biết: Sau đợt điều chỉnh giảm lãi suất vừa rồi, doanh nghiệp đã tiết kiệm được 30 triệu đồng mỗi tháng để trả lương cho công nhân. Tuy nhiên, là một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe máy từ châu Âu nên khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là đầu ra của sản phẩm và hàng tồn kho nhiều vì không có người mua, mặc dù đã giảm giá thành gần 20%.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, việc giảm lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng sẽ là động lực để tiến tới giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế, giúp giảm chi phí đối với doanh nghiệp và hướng người gửi tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích: Hạ lãi suất là điều cần thiết, nó sẽ làm giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc quan trọng trong giai đoạn hiện nay là vốn phải đến được với doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi các ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi họ vay vốn. Bản thân doanh nghiệp cũng cần phải nhìn lại mình, củng cố lại hoạt động, cơ cấu vốn và chiến lược kinh doanh để có thể phát triển trong giai đoạn tới.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: “Chúng ta phải xác định rõ mục tiêu kéo giảm lãi suất xuống để làm gì vì hiện nay hầu hết các ngân hàng đều giảm lãi suất cho các khách hàng tốt trong khi khách hàng xấu thì lại có khó khăn gấp bội vì không được hưởng. Chính vì vậy, phải giảm lãi suất cho các khách hàng khó khăn. Còn những khách hàng chưa khó khăn lắm thì phải từ từ. Thực tế đây chỉ là những động thái giữ chân khách hàng của các ngân hàng đúng hơn là hỗ trợ thực sự cho các doanh nghiệp khó khăn”.

Còn quá sớm để đánh giá hiệu quả về tác động sau khi giảm lãi suất huy động của ngân hàng đến doanh nghiệp như thế nào. Nhưng điều cần thiết  hơn cả là sự chia sẻ lợi ích, cân bằng lợi nhuận sao cho hợp lý với các doanh nghiệp là điều các ngân hàng cần tính tới tại thời điểm hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên