Vụ Công ty Đường Nông Cống nợ tiền mía: “Lúc khó đừng đổ đầu dân”

VOV.VN - 2 công ty tiếp tục “cứng đầu” thì chính quyền địa phương cũng “đành chịu” và lúc khó lại đổ đầu dân?

Thiếu đất sản xuất, hàng trăm hộ dân ở Nông Cống đã nhận khoán đất từ Công ty TTHH 2 TV Ứng dụng Công nghệ cao Nông nghiệp và Thực phẩm sữa Yên Mỹ (Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ) để trồng mía với mức phí 3,3 triệu đồng/ha/năm. Mía nguyên liệu vụ ép 2018-2019 đã được Công ty Đường Nông Cống thu mua mấy tháng nay nhưng người dân vẫn chưa nhận được tiền bán mía vì bị “cài” khoản nợ giữa Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ và Công ty Cổ phần Đường Nông Cống. Câu hỏi đặt ra là, trách nhiệm, lương tâm và cả văn hóa doanh nghiệp ở đâu, sao đẩy người dân khốn khó vào bước đường cùng.

Nhiều năm nay hàng trăm hộ dân ở xã Công Chính, huyện Nông Cống đã nhận giao khoán đất từ Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ (trước đó là Công ty TNHH 1TV Yên Mỹ) trồng mía. Để thuận lợi cho việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm, Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ đã cử 5 người là đội trưởng các đội sản xuất (đại diện cho hàng trăm hộ dân) đứng ra ký hợp đồng với Công ty Đường Nông Cống về việc trồng và thu mua mía nguyên liệu vụ ép 2018-2019.

Công ty Cổ phần Đường Nông Cống đang "cài" người dân vào khoản nợ mà họ không hay biết.

Sự việc sẽ chẳng có gì phải bàn nếu không “lòi” ra khoản nợ 2,2 tỷ đồng của Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ nợ Công ty Đường Nông Cống nhiều năm trước. Cuối vụ, khi người dân đòi thanh toán tiền thu mua mía nguyên liệu thì ông Nguyễn Trọng Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cô phần Đường Nông Cống lấy lý do, giữa 2 công ty đang có xung đột về lợi ích vì vậy khi nào lấy được nợ từ Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ sẽ trả tiền mía cho người dân.

“Trước đây khi mà đang còn là Công ty TNHH 1 TV Yên Mỹ ấy đang nằm trong vùng nguyên liệu được tỉnh quy hoạch cho chúng tôi, đến nay khi chuyển đổi rõ ràng bên Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ trồng cỏ, sản xuất sữa, thực sự là xung đột lợi ích giữa 2 doanh nghiệp, họ trồng cỏ, tôi trồng mía. Và 2 nữa là đất đó tỉnh đã quy hoạch khu vực trồng cỏ rồi thì không có lý gì chúng tôi không thu hồi công nợ, bắt buộc phải thu” - ông Hải nói.

Cách giải thích này chưa thấu tình đạt lý, bởi lẽ khoản nợ 2,2 tỷ đồng đã được Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ ghi nợ và hứa sẽ trả theo thỏa thuận. Còn mía nguyên liệu là mồ hôi, công sức của hàng trăm hộ dân đã được Công ty thu mua ép thành phẩm thì không thể chây ì và đánh lận sang khoản nợ khác không có trong thỏa thuân hợp đồng.

Hàng trăm ha mía của người dân tới đây cũng chưa biết đi về đâu.

Bị Công ty Cổ phần Đường Nông Cống quay lưng, bất hợp tác trong việc thanh toán tiền bán mía, người dân quay sang “chất vấn” Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ nhưng cũng nhận được cái lắc đầu khó hiểu. Đại diện Công ty này một mực khẳng định, Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ không liên quan đến hợp đồng mua bán mía nguyên liệu vụ ép 2018-2019 giữa Công ty Đường Nông Cống với người dân.

Ông Mai Văn Nho, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ cho rằng: “Việc công nợ các hộ là Công ty Đường giữ tiền mía chưa thanh toán thì Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ không hợp đồng với Công ty Đường mà các hộ, nhóm hộ hợp đồng trực tiếp. Đến kỳ thanh toán người ta (Công ty Đường Nông Cống) không thanh toán cho các hộ mà yêu cầu phải trừ nợ trước đây của Công ty TNHH 1 TV Yên Mỹ đã bàn giao cho TH (Công ty TNHH 2 TV Yên Mỹ) thì mới thanh toán. Cần thiết, căng thẳng quá thì đưa ra tòa giải quyết.”

Vẫn biết rằng, nợ sẽ trả, đúng sai có pháp luật, nhưng cách giải quyết của Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ có phần thiếu trách nhiệm. Bởi lẽ, Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ đã ủy quyền cho người đại diện đứng ra ký hợp đồng với Công ty Đường Nông Cống trong việc mua bán mía nguyên liệu thì không thể nói vô can. Hơn thế nữa, việc giao khoán đất cho người dân trồng mía (theo hợp đồng trách nhiệm) Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ có thu khoản phí 3,3 triệu đồng/ha/năm, nghĩa là công ty có trách nhiệm trong việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.

Vậy thì khi dân bán mía không lấy được tiền, Công ty TNHH 2TV có thể đứng ngoài mà nói rằng đó là việc của dân? Hơn nữa, việc cam kết phương án trả nợ của Công ty TNHH 2TV Yên Mỹ cho Công ty Đường Nông Cống bằng cách lấy tiền phí giao khoán đất hàng của dân chẳng khác nào “lấy mỡ rắn rán rắn” chẳng có gì sáng sủa!

Thất thế trong đòi nợ tay 3, người dân đã kêu cứu chính quyền địa phương. Sau nhiều lần gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, nhưng các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống chỉ có thể chia sẻ với những khó khăn của 2 Công ty, nhưng công ty cũng phải chia sẻ với khó khăn của người dân và có phương án trả nợ cho dân!

Không nhẽ 2 công ty tiếp tục “cứng đầu” thì chính quyền địa phương cũng “đành chịu” và lúc khó lại đổ đầu dân? Tất nhiên, ra tòa là điều không ai mong muốn./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thuế nhập khẩu sắp về 0% doanh nghiệp mía đường chưa tự tin ứng phó
Thuế nhập khẩu sắp về 0% doanh nghiệp mía đường chưa tự tin ứng phó

VOV.VN - Doanh nghiệp mía đường chưa chủ động với thuế xuất nhập khẩu giảm thậm chí vẫn muốn tiếp tục được Chính phủ kéo dài thêm thời gian bảo hộ.

Thuế nhập khẩu sắp về 0% doanh nghiệp mía đường chưa tự tin ứng phó

Thuế nhập khẩu sắp về 0% doanh nghiệp mía đường chưa tự tin ứng phó

VOV.VN - Doanh nghiệp mía đường chưa chủ động với thuế xuất nhập khẩu giảm thậm chí vẫn muốn tiếp tục được Chính phủ kéo dài thêm thời gian bảo hộ.

Tồn kho kỷ lục, hàng loạt nhà máy mía đường thua lỗ
Tồn kho kỷ lục, hàng loạt nhà máy mía đường thua lỗ

VOV.VN - Lượng mía đường tồn kho đang ở mức kỷ lục, với gần một nửa số nhà máy mía đường gặp thua lỗ phải hoạt động cầm chừng.

Tồn kho kỷ lục, hàng loạt nhà máy mía đường thua lỗ

Tồn kho kỷ lục, hàng loạt nhà máy mía đường thua lỗ

VOV.VN - Lượng mía đường tồn kho đang ở mức kỷ lục, với gần một nửa số nhà máy mía đường gặp thua lỗ phải hoạt động cầm chừng.

Ngành mía đường Việt yếu do quản lý hay công nghệ?
Ngành mía đường Việt yếu do quản lý hay công nghệ?

VOV.VN - Quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu có phải là nguyên nhân chính khiến ngành mía đường Việt Nam thua kém so với các quốc gia khác trong khu vực?

Ngành mía đường Việt yếu do quản lý hay công nghệ?

Ngành mía đường Việt yếu do quản lý hay công nghệ?

VOV.VN - Quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu có phải là nguyên nhân chính khiến ngành mía đường Việt Nam thua kém so với các quốc gia khác trong khu vực?