Vụ đại gia có 10 tỷ USD: Chỉ là hứa ảo!
Hiện ông Hùng đang chuẩn bị về Mỹ, kết thúc những ngày khoác áo đại gia hứa ảo với địa phương.
Ông Paul Lê Hùng, đại diện cho Quỹ Phát triển các dự án về nhân đạo trực tiếp ở châu Á - Thái Bình Dương có nhiệm vụ giới thiệu nguồn vốn tài trợ đến các quốc gia ở khu vực này. Đây là tổ chức phi chính phủ của Tập đoàn Diamond Access Inc., trụ sở đặt tại New York, Hoa Kỳ tìm đến các tỉnh miền Tây viện trợ 10 tỷ USD để đầu tư các cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi.
Trong khi làm việc với địa phương, ông Hùng hứa viện trợ 10 tỷ USD nhưng không có thông tin về nơi mà mình đại diện. Có chăng, ông ta nghe lời giới thiệu của người bạn và nắm thông tin qua web.
Ông Paul Lê Hùng (ảnh: Lao Động) |
Ông Hùng cho biết, năm 2012 tình cờ gặp lại người bạn tại Mỹ, tự giới thiệu đại diện Tập đoàn Diamond Access Inc. Anh ta ngỏ ý mời ông Hùng làm đại diện cho Quỹ Phát triển các dự án về nhân đạo trực tiếp ở châu Á - Thái Bình Dương. Mỗi quốc gia sẽ được viện trợ nguồn vốn lên đến 10 tỷ USD, không cần bất cứ điều kiện nào mà chỉ cần Chính phủ có chứng thư bảo lãnh, không được thông tin rộng rãi. Nghe vậy, ông Hùng đã khắc con dấu tập đoàn, soạn văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin được viện trợ.
Ông Hùng nói: “Từ Mỹ chân ướt chân ráo về Việt Nam, tôi nhờ dịch vụ trình thư ngỏ gởi đến Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian chưa nhận được sự trả lời, tôi chủ động tìm đến các địa phương như Thái Nguyên, Sóc Trăng và Tiền Giang ký bản ghi nhớ viện trợ. Tỉnh Tiền Giang không đồng ý thì họ sẽ mất số tiền 10 tỷ USD”. Về thông tin của tập đoàn, ông Hùng thú thật chỉ biết qua web...
Thật bất ngờ, với tờ thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ được đóng bằng con dấu tự khắc ngoài chợ, ông Paul Lê Hùng đã ký bản ghi nhớ viện trợ với tỉnh Sóc Trăng và UBND thị xã Sông Công, Thái Nguyên hứa viện trợ mỗi địa phương 10 tỷ USD. UBND tỉnh Tiền Giang từ chối nhận viện trợ bởi không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Khi chúng tôi thông tin, tổ chức mà ông Hùng là người đại diện không có ở Mỹ, ông này lại ngạc nhiên: “Thực tế không có sao. Tôi lên mạng thấy rõ ràng là có mà. Tôi sẽ liên hệ với bạn tôi lại”.
Xung quanh đơn của ông Lê Văn Đăng, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển Đồng Tháp Mười (gọi tắt là Công ty Đồng Tháp Mười, trụ sở tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước, Tiền Giang) khiếu nại ông Hùng mượn 4 tỷ đồng không trả, Paul Lê Hùng giải thích: “Tôi không mượn ông Đăng đồng nào cả. Chữ ký trong biên nhận không phải là chữ ký của tôi".
Những lần xuống Tiền Giang để liên hệ với các cơ quan chức năng, ông Đăng có đưa tôi vài triệu làm chi phí. Việc nợ 70.000 USD là vu khống”. Trong khi đó, ông Đăng cho rằng để được ông Paul Lê Hùng giao dự án, ông đã thành lập Công ty Đồng Tháp Mười với 28 ngành nghề và vốn đến 64 tỷ đồng và ông Đăng giúp xin chủ trương với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.
Ông Paul Lê Hùng hứa sẽ giao toàn bộ công trình cho Công ty Đồng Tháp Mười thực hiện. Đầu năm 2012, ông Đăng rủ ông Nguyễn Văn Lắm, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ Hữu Lợi (gọi tắt là Công ty Hữu Lợi, có trụ sở tại huyện Châu Thành, Tiền Giang) tham gia với Công ty Đồng Tháp Mười đầu tư xây dựng công trình giao thông.
Ngày 6/2/2013, ông Paul Lê Hùng gửi cho ông Lắm và ông Đăng văn bản “Ủy nhiệm tiếp nhận vốn vay”. Theo đó, Công ty Joes có trụ sở tại Hoa Kỳ đồng ý cho Công ty Limited Investments Zoone, LP, USA do ông Hùng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc được vay vốn đầu tư 650 triệu USD vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Việt Nam.
Ông Hùng ủy quyền cho Công ty Đồng Tháp Mười và Công ty Hữu Lợi được quyền tiếp nhận 100 triệu đôla để thực hiện tuyến đường Thủ Thừa - Hòa Khánh thuộc tỉnh Long An. Ông Đăng tố cáo: “Sau đó, ông Hùng hối thúc tôi góp tiền để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tôi đi vay mượn của bạn bè đưa cho ông ta hai lần 70.000 USD, vậy mà ông ta lại trở mặt”.