Vụ lúa Đông Xuân: Nan giải bài toán lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp
VOV.VN - Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 vùng ĐBSCL xuống giống gần 1,5 triệu ha với sản lượng dự kiến hơn 10 triệu tấn lúa. Hiện nay, người dân đang tất bật thu hoạch lúa Đông Xuân với năng suất cao.
Tuy nhiên, giá lúa hiện nay đã giảm so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Mặc dù giá lúa giảm nhưng nhìn chung người dân vẫn có lãi, nhất là những hộ dân tham gia hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.
Vụ lúa Đông Xuân này trên địa bàn TP Cần Thơ xuống giống hơn 72.000 ha, đến thời điểm này người dân đã thu hoạch trên 22.000 ha với năng suất đạt 7,5 tấn/ha.
Theo nông dân Nguyễn Văn Bùi, xã Trung Hưng, huyện Cờ Ðỏ, vụ lúa này gia đình ông canh tác lúa Ðài thơm 8 với diện tích 7 ha. Năm nay, thời tiết thuận lợi, lúa đạt năng suất khá cao. Tuy nhiên, vào thời điểm thu hoạch giá lúa không cao như thời điểm trước Tết nên chỉ lời khoảng 4 triệu đồng/công.
Nông dân Nguyễn Văn Bùi chia sẻ, trước Tết trà lúa của gia đình được thương lái đặt cọc 500.000 đồng/công với giá 8.700 đồng/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm gần thu hoạch do biến động thị trường nên thương lái đã đàm phán để hạ giá lúa. Vào thời điểm thu hoạch lúa giá bán là 8.000 đồng/kg, tức là chênh lệch với giá đặt cọc ban đầu 700 đồng/kg.
“Lúa năm nay là trúng mùa, lúc đầu lúa được giá nhưng mà tới thu hoạch thì giá lại xuống. Trước Tết là chú nhận cọc được giá 8.700 đồng/kg, rồi qua Tết lúa sụt dần dần chốt giá 8.400 đồng/kg nhưng tới hiên nay bạn hàng lái thu mua xin bớt lại 400 đồng nữa là 8.000 đồng/kg, giá lúa này chênh lệch hơn 1.000 đồng/kg” - ông Nguyễn Văn Bùi nói.
Thỏa thuận với thương lái để bán lúa
Theo nông dân Nguyễn Văn Thảo, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, giá bán lúa giờ đang chênh lệch nhiều so với thời điểm trước Tết. Nếu như thời điểm trước Tết thương lái đến đặt cọc lúa với giá 10.000 đồng/kg lúa ST 25 nhưng gia đình không nhận cọc. Đến thời điểm này thu hoạch thương lái thu mua với giá 8.000 đồng/kg, tuy nhiên nhìn chung người dân vẫn có lời 4 triệu đồng/công, khi đã trừ hết chi phí.
“ST 25 được 38 công, một công được 1 tấn thì lợi nhuận thì bán được 8.000 đồng/kg thì một công được 1 tấn thì lợi nhuận được 4 triệu thì chắc ăn đi. Năm ngoái bán có 7.300 đồng/kg, năm nay thì bán được 8.000 đồng/kg thì giá hơn 700 đồng/kg” - ông Nguyễn Văn Thảo nói.
Hiện nay, nông dân Vĩnh Long đang thu hoạch rộ lúa đông xuân. Cách đây khoảng 10 ngày các thương lái đến tận cánh đồng để đặt cọc mua lúa với giá từ khoảng từ 8.000 - 11.000 đồng /kg tùy theo từng loại lúa. Tuy nhiên mấy ngày nay giá lúa xuống thấp nhiều thương lái chấp nhận bỏ cọc.
Một số nông dân do lo sợ không bán được lúa nên buộc phải thương lượng với thương lái để bán với giá thấp hơn so với giá đặt cọc trước đó. Anh Trần Văn Minh, một nông dân ở xã Phú Đức, huyện Long Hồ cho biết, anh sẽ thương lượng lại với thương lái để bán được lúa: “Tôi đã lấy cọc giá 8.500 đồng/kg lúa 5451, lúa 98 ngày cắt. Nhưng giờ lúa neo lên 100 ngày rồi mới chịu cắt. Lái cũng quen không nên phải thỏa thuận lại”.
Thiếu liên kết khiến người dân, doanh nghiệp đều mất lợi ích
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết, vụ lúa này người dân trên địa bàn Cần Thơ xuống giống tập trung vào giống lúa thơm, đặc sản. Trong những ngày vừa qua, do biến động thị trường trong ngành hàng lúa gạo nên có xu hướng trồng chờ nên giá lúa sụt giảm, việc tiêu thụ lúa chậm.
Tuy nhiên, thị trường lúa hiện nay cơ bản đã được khơi thông, giá lúa đang có xu hướng tăng, đối với giống chủ lực của Cần Thơ, giá lúa Đài Thơm 8 đang được bán với giá từ 7.800 đồng đến 8.400 đồng/kg, đây là mức giá khá cao so với những năm trước đây, nhưng so với kỳ vọng của người dân thì vẫn còn sự nuối tiếc so với giá bán đầu vụ.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, đối với ngành nông nghiệp Cần Thơ, với mức giá như hiện nay và điều kiện sản xuất lúa thuận lợi trong vụ Đông Xuân này thì người dân đang thắng cả về năng suất và lợi nhuận. Để tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp thời gian qua ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng đã thúc đẩy chuỗi liên kết để giúp người dân có đầu ra ổn định và doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định để nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng lúa gạo, từ đó đáp ứng các đơn hàng, yêu cầu của đối tác nhập khẩu.
“Tình huống vừa qua, với cú sốc của thị trường, biến động về việc tiêu thụ, biến động về giá cho thấy yếu kém trong các vùng sản xuất thiếu liên kết và liên kết không chặt chẽ. Trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo gặp khó khăn khi tiếp cận các vùng nguyên liệu và các vùng nguyên liệu đạt chất lượng. Còn đối với người nông dân thì thông qua các hệ thống trung gian nhỏ lẻ, không chính quy khi giá lúa có biên độ điều chỉnh xuống, xuống thấp thì việc thực hiện các hợp đồng miệng cho thấy là kết quả mang lại như mong muốn của bà con, đây là cái rủi ro rất lớn trong quá trình thực hiện chuỗi liên kết” - ông Trần Thái Nghiêm nói.
Thực trạng thấy rõ trong thời gian qua của ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL là sự thiếu liên kết và giằng buộc giữa người dân và doanh nghiệp trong khâu sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, nhiều nông dân sẵn sàng bỏ cọc để bán với giá cao hơn dù đã có hợp đồng với doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp cũng gặp khó khi giá lúa tăng cao, lại phải mua với giá cao hơn để đáp ứng các đơn hàng của đối tác.
Mối liên kết giữa người dân, doanh nghiệp đã được nhắc trong suốt thời gian qua nhưng câu chuyện giải quyết hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn nan giải. Chính điều này đã bộc lộ rõ khi bước vào vụ lúa Đông Xuân, giá lúa xuống thấp người dân lại ngóng doanh nghiệp hoặc chờ giá lên, trong khi doanh nghiệp chỉ thực hiện các hợp đồng mua với người dân đã có liên kết. Câu chuyện làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa đôi bên đã và đang là một bài toán khó chưa có lời giải cho ngành hàng lúa gạo của vùng ĐBSCL.
Với diện tích gần 1,5 triệu ha lúa Đông Xuân, với sản lượng dự kiến hơn 10 triệu tấn lúa. Ngay từ đầu vụ lúa Đông xuân 2023 -2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương trong vùng cần đảm bảo lịch thời vụ theo đúng khuyến cáo. Đồng thời, rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết, phòng tránh hạn hán xâm nhập mặn, đảm bảo diện tích, năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thời tiết khí tượng thủy văn, tình hình dự báo sinh vật gây hại để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.