Vụ mua gạo dự trữ: Đang làm rõ có hay không việc thông đồng, móc ngoặc

VOV.VN - Việc các doanh nghiệp có thông đồng với các Cục Dự trữ Nhà nước chờ nâng giá để bán gạo cho Dự trữ Nhà nước hay không cần phải điều tra làm rõ thêm.

Liên quan tới việc lùm xùm mua gạo dự trữ quốc gia, ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, qua kiểm tra, trong số các doanh nghiệp cũng như cá nhân gửi gạo tại kho của 7 Cục Dự trữ Nhà nước, có những doanh nghiệp đã trúng thầu đợt 1 (ngày 12/3/2020) nhưng không tiến hành ký hợp đồng bán gạo cho dự trữ Nhà nước.

Kết quả kiểm tra đã phát hiện có 7/22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực gồm: Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa cho các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng kho dự trữ Nhà nước để giữ hộ hàng hóa đã vi phạm các quy định.

Thanh tra Bộ Tài chính chuyển vụ 7 cục trưởng Cục dự trữ bị đình chỉ do gửi gạo trái phép sang Bộ Công an vì nghi thông đồng, móc ngoặc

"Khi làm việc, các Cục báo cáo lại với đoàn thanh tra là số gạo gửi là của các doanh nghiệp trúng thầu bán gạo cho cơ quan dự trữ. Tuy nhiên, có doanh nghiệp gửi gạo ở đó, nhưng sau đó không đến ký hợp đồng bán gạo. Các Cục Dự trữ cho để vào kho, rồi sau đó họ không chuyển ra kịp...", ông Tuyến thông tin.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp này có thông đồng với các Cục Dự trữ Nhà nước chờ nâng giá để bán gạo cho dự trữ nhà nước hay không thì cần phải điều tra làm rõ thêm.

“Bộ Tài chính đề xuất chuyển giao cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an. Việc này để làm rõ có hay không việc thông đồng, mắc ngoặc giữa các đơn vị Dự trữ Nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi", Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho hay.

Theo ông Tuyến, Luật Dự trữ Quốc gia số 22/2012/QH13 và Thông tư số 56/2013/TT-BCA-A81 đã quy định rõ các kho DTNN thuộc Danh mục bí mật nhà nước của ngành Tài chính.

Ngoài ra, tại Công văn số 600/TCDT-TCQT, ngày 14/5/2018 của Tổng cục DTNN về hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, kho DTQG cũng quy định: “Nghiêm cấm thủ trưởng các đơn vị cho thuê, cho mượn diện tích đất, kho dự trữ cũng như cơ sở nhà đất là trụ sở làm việc dưới mọi hình thức (kể cả kho ngoài quy hoạch không có nhu cầu sử dụng) khi chưa có quyết định phê duyệt của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước…”.

Theo đại diện cơ quan thanh tra Bộ Tài chính, trước đây, Bộ Tài chính kiểm tra rất nhiều, kể cả kiểm tra trong kế hoạch và kiểm tra theo diện giải quyết đơn thư khiếu nại, nhưng không phát hiện ra trường hợp như này.

"Đây là trường hợp mới phát sinh đợt vừa rồi, vấn đề giá gạo tăng đột biến, sinh ra như thế", ông Đặng Ngọc Tuyến nói.

Về các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, ông Đặng Ngọc Tuyến cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các đơn vị chức năng của Bộ rà soát các quy trình, quy chế quản lý Kho Dự trữ Nhà nước để sửa đổi, bổ sung đảm bảo công tác giám sát, quản lý tập trung, hiện đại hóa, trong đó có giải pháp xây dựng kế hoạch trang bị, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại tất cả các điểm kho Dự trữ Nhà nước để phục vụ công tác quản lý nhằm đảm bảo an toàn hệ thống kho Dự trữ Nhà nước. Thời gian tới, thanh tra Bộ Tài chính sẽ đề xuất Bộ cho thanh tra mở rộng các cục, chi cục dự trữ và các khu dự trữ về việc chấp hành pháp luật.

Còn theo ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, cơ bản 7 Cục Dự trữ cho gửi gạo trái quy định, việc điều tra, kết luận hiện nay thuộc thẩm quyền của Bộ Công an và thanh tra Bộ Tài chính. Cơ quan dự trữ sẽ chấp hành các quy định của pháp luật.

Mới đây, trả lời Báo Tiền Phong về việc bị yêu cầu báo cáo kiểm điểm trách nhiệm khi để cho hàng loạt Cục dự trữ sai phạm về gửi gạo, ông Đỗ Việt Đức cho biết: “Bộ Tài chính yêu cầu thì chúng tôi sẽ báo cáo. Lỗi ở đâu chúng tôi nhận đến đó. Còn chủ yếu cấp cục phải chịu trách nhiệm bởi họ là chủ đầu tư, tổ chức đấu thầu, tổng cục chỉ ra văn bản hướng dẫn đấu thầu, cũng như quản lý tài sản. Việc các cục cho các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho trái với quy định của Luật Dự trữ Nhà nước”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên