Vụ Mỹ kiện tôm: Nhiều nước đã lên tiếng

(VOV) -Các nước bị Hoa Kỳ kiện cũng cho rằng đây là vụ việc không thích hợp của phía Hoa Kỳ

Hôm nay (23/1), phóng viên VOV  có cuộc trao đổi với ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng và tiến hành điều tra Vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Mừng, đối với vụ kiện chống trợ cấp này (còn gọi là vụ kiện chống thuế trợ giá), vai trò của Nhà nước, cơ quan chức năng, chính quyền là rất quan trọng. Hiện, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương đang phối hợp với các cơ quan liên quan cùng chính quyền địa phương để chung sức chống lại vụ kiện này.

PV: Thưa ông có thể đánh giá tác động của vụ kiện này với ngành xuất khẩu tôm Việt Nam?

Ông Bạch Văn Mừng: Năm 2012, xuất khẩu mặt hàng tôm của ta khoảng 2,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu vào Hoa Kỳ là 550 triệu USD. Mặt hàng tôm đã bị chống bán phá giá rồi nên nếu tiếp tục chống trợ cấp nữa thì thuế vào Hoa Kỳ sẽ rất cao. Hiện đang trong quá trình điều tra, khi nào đưa ra quyết định thì mới bị áp thuế. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh mặt hàng tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ. Xuất khẩu vào Hoa Kỳ giảm sút thì sẽ tác động không tốt đến sản xuất và chế biến mặt hàng tôm của Việt Nam. Trong khi thời gian qua, mặt hàng này của Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh và khó khăn về vốn liếng, tác động không nhỏ đến đời sống và người nông dân ở ĐBSCL.

PV: Về phía Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương-cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã có những động thái như thế nào, thưa ông?

Ông Bạch Văn Mừng: Với vụ Hoa Kỳ kiện chống trợ cấp tôm, ngay khi có thông tin nguyên đơn Hoa Kỳ yêu cầu điều tra Việt Nam trợ cấp, phía Bộ Công Thương cụ thể Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) tiến hành 1 loạt hoạt động chuẩn bị đối phó với vụ kiện này.

Thứ nhất, Cục quản lý cạnh tranh đã trình Bộ Công Thương, Bộ đã có thư chính thức gửi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) phản đối vụ kiện này, đưa ra khẳng định từ phía Việt Nam không có trợ cấp cho ngành tôm. Phía Việt Nam mà đại diện là Bộ Công thương gửi tờ trình rất chi tiết cho DOC để DOC cân nhắc kỹ lưỡng yêu cầu của nguyên đơn từ phía Hoa Kỳ. Đồng thời, Cục QLCT cũng phối hợp với thường vụ đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tham dự phiên điều trần của Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ để đánh giá về những thiệt hại có thể có về vụ việc này.

Theo thông tin chúng tôi có được tất cả những nước bị Hoa Kỳ kiện cũng có ý kiến về vụ việc này, và cho rằng đây là vụ việc không thích hợp của phía Hoa Kỳ.

PV: Ông có thể cho biết những khó khăn khi theo duổi vụ kiện này và khả năng thắng kiện của chúng ta như thế nào, thưa ông?

Ông Bạch Văn Mừng: Với vụ việc trợ cấp, Hoa Kỳ tiến hành điều tra 20 chương trình mà nguyên đơn đưa ra là trợ cấp, các vấn đề liên quan rất rộng, từ vay vốn đến ưu đãi cho thuê đất, mặt nước và chính sách liên quan thuế. Phía Cục phối hợp chặt chẽ với VASEP và cộng đồng xuất khẩu tôm để chuẩn bị tất cả các tài liệu, minh chứng trả lời phía Hoa Kỳ rằng, ở Việt Nam không có trợ cấp này cho các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các Bộ liên quan như Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có những giải trình chứng minh và phản bác lại những cáo buộc mà phía nguyên đơn Hoa Kỳ đưa ra là Việt Nam có trợ cấp. Công việc tiến hành trong thời gian dài. Ngoài ra, Cục sẽ phối hợp với các luật sư tư vấn để nghiên cứu kỹ các thông lệ quốc tế, luật pháp Hoa Kỳ để làm sao giảm thiểu thấp nhất những tác động từ phía vụ việc này.

PV: Các vụ kiện phòng vệ thương mại không những liên tiếp diễn ra với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mà còn diễn ra ngày càng phức tạp và lắt léo hơn, gây những thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp. Ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp để tránh hoặc có sự phòng bị trước những vụ kiện phòng vệ thương mại.

Ông Bạch Văn Mừng: Để hàng hóa xuất khẩu Việt Nam không vấp phải vụ kiện như vậy, thì cần phải duy trì nhiều giải pháp. Doanh nghiệp đa dạng thị trường, không nên quá tập trung vào một thị trường với tốc độ nhập khẩu nóng, rất nhanh thì sẽ gây nên sự chú ý cho nước nhập khẩu; cần cập nhật thông tin, phối hợp cơ quan nhà nước cũng như thông tin từ phía nhà làm luật xác định nguy cơ bị kiện của các sản phẩm xuất khẩu để có giải pháp dự phòng. Cụ thể là cục quản lý cạnh tranh đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, rất rõ ràng. Các doanh nghiệp khi truy cập có thể biết được sản phảm của mình nguy cơ như thế nào. Nếu đã bị kiện thì doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý điều tra đặc biệt trong việc trả lời câu hỏi và giải trình vấn đề mà cơ quan điều tra yêu cầu, trong đó hệ thống sổ sách kế toán phải rất rõ ràng, minh bạch để chứng minh cho cơ quan điều tra rằng doanh nghiệp không bán phá giá hoặc không nhận được sự trợ cấp của Chính phủ và từ đó việc thắng kiện mới có kết quả.

Bên cạnh đó phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương trong việc tổ chức kháng kiện với vụ kiện đã xảy ra.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

VASEP phản đối vụ kiện chống trợ cấp tôm từ Việt Nam
VASEP phản đối vụ kiện chống trợ cấp tôm từ Việt Nam

(VOV) -Theo VASEP, vụ kiện này là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh và thiếu cơ sở.

VASEP phản đối vụ kiện chống trợ cấp tôm từ Việt Nam

VASEP phản đối vụ kiện chống trợ cấp tôm từ Việt Nam

(VOV) -Theo VASEP, vụ kiện này là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh và thiếu cơ sở.