Vụ Vinalines làm nóng chuyện giám sát việc dùng tiền vốn nhà nước

“Vinalines thua lỗ, Chủ tịch bỏ chạy… Nói ra cứ như chuyện đùa, cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào, mặt cứ trơ ra”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh (đoàn Đà Nẵng) bày tỏ bức xúc khi thảo luận về Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có việc giám sát hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước.

“Cử tri kêu về vấn đề này nhiều lắm. Tàu thủy (Vinalines) thấy lỗ, chìm dưới biển không biết bao nhiêu tiền. Một đất nước biển nhiều, cá nhiều đương nhiên cần ngành sửa chữa tàu, đóng tàu nhưng muốn vươn tới nhất nhì thế giới làm sao nhanh được, thực tế cho tới giờ cũng  chủ yếu gia công, sơn sửa” – ông Thanh nói.

Đại biểu Bá Thanh cũng bày tỏ bức xúc: “Vinalines thua lỗ, Chủ tịch bỏ chạy, công an không bắt không được. Nói ra cứ như chuyện đùa, cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào, mặt cứ trơ ra. Trong khi 70.000 hộ gia đình chính sách, hỗ trợ chẳng được bao nhiêu tiền mà cứ đưa lên đưa xuống, chưa quyết được. Đằng này, hàng nghỉn tỉ đồng tiền đổ sông, đổ biển sót hết cả ruột”.

Sự việc trên cho thấy cách điều hành quá lỏng lẻo. Chúng ta quản lý con người, tập đoàn, kiểu gì? Quản lý lỏng lẻo khiến bên dưới muốn mua tàu cũ thì mua, muốn bán mỏ than thì bán, tùy tiện. Phải siết lại kỷ cương, trật tự, ít nhất thành lập cơ quan quản lý nhà nước quản lý hết các Tập đoàn, nhân sự, vốn liếng… Hơn nữa, khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm, mà không giám sát, để bỏ chạy, dân họ không tin.

Trao đổi với báo chí, đại biểu Trần Du Lịch cho biết: “Từ vụ việc Vinashin, tôi thấy nhân dân bức xúc về cách sử dụng vốn và tài sản nhà nước. Để giải quyết căn cơ, phải sớm có một đạo luật, trong đạo luật này phải giao Quốc hội thẩm quyền giám sát, đặc biệt là giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”.  

Còn biện pháp trước mắt, đại biểu Trần Du Lịch cho biết: “Tôi cũng đề nghị nhiều lần, đó là lựa chọn trước các tập đoàn, tổng công ty lớn, Chính phủ với tư cách đại diện chủ sở hữu cao nhất yêu cầu các tổ chức kinh tế này phải công khai, minh bạch các hoạt động giống như các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán”. 

Chia sẻ nội dung này, Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TP HCM) cho rằng, đối với các DNNN hiện nay, nổi lên vấn đề quan trọng là thể chế. Thể chế này phải xem cơ chế điều hành, kiểm tra giám sát và minh bạch thông tin ra sao, trách nhiệm người đứng đầu và cả thi tuyển ban Tổng giám đốc…

Bày tỏ những bức xúc của mình, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) nói: “Đã đến lúc phải khởi tố điều tra những dự án làm thất thoát nhiều tiền của của đất nước để lấy lại tiền nộp vào ngân sách. Nếu không dần dần sẽ rất khó tìm dấu vết để quy trách nhiệm”.

Là người đứng đầu ngành Tài chính, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng khá trăn trở vấn đề này. Ông Huệ cho biết, các qui định về giám sát DNNN trước đây đều chưa thực sự hiệu quả. Chính vì thế, Bộ Tài chính đang nghiên cứu soạn thảo quy chế mới về giám sát việc sử dụng vốn Nhà nước ở doanh nghiệp. Theo đó, nguyên tắc được đặt ra là: Ở đâu có vốn và tài sản nhà nước thì ở đó cần có giám sát hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên