“Vua rác” David Dương trúng thầu hợp đồng 2,7 tỉ USD ở Mỹ
VOV.VN -Sau 3 phiên điều trần, CWS đã giành chiến thắng trước một công ty lớn của Mỹ với hợp đồng thu gom rác, phế liệu tái chế và cây xanh tại TP Oakland
Mấy ngày qua, báo chí tại Mỹ đã đưa nhiều thông tin về sự kiện Hội đồng thành phố Oakland, bang California, Mỹ quyết định giao hợp đồng thu gom rác, phế liệu tái chế và cây xanh trị giá 2,7 tỉ USD cho CWS - công ty mẹ của VWS (Vietnam Waste Solutions), chủ đầu tư dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, TP.HCM.
Sau 3 phiên điều trần tranh đấu quyết liệt, CWS đã giành chiến thắng trước “đối thủ” cạnh tranh là Waste Mangement - công ty xử lý rác lớn nhất Hoa Kỳ có trụ sở đặt tại Texas, có chi nhánh ở 50 tiểu bang và nhiều nước trên thế giới.
Hợp đồng mà CWS thắng thầu là một trong những hợp đồng lớn nhất của thành phố Oakland, trị giá 2,7 tỉ USD trong 20 năm, thời gian bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2015.
Ông David Dương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CWS cho biết, CWS thắng thầu là nhờ vào giá rẻ, công ty đang hoạt động ở Oakland, sự ủng hộ của toàn thể nhân viên công ty; đặc biệt là sự ủng hộ và đòi công bằng của cộng đồng người Việt cho công ty của người Việt – sắc tộc thiểu số ở Hoa Kỳ, đã đánh thức Hội đồng thành phố đi đến quyết định bầu chọn, giao hợp đồng cho CWS.
Được biết, ngoài đầu tư thành công ở Mỹ, ông David Dương cũng đã đầu tư thành công Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước ở TP HCM và hiện ông đang tiến hành các bước để đầu tư dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn trị giá 700 triệu USD với quy mô 1.760 ha, tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, có công suất xử lý 40.000 tấn rác/ngày cho TP HCM, Long An và các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông David Dương cho biết: “Dự án ở Thủ Thừa, Long An sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Mỹ được áp dụng và phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam. Đây là dự án có khả năng xử lý đủ loại chất thải, từ rác thải sinh hoạt đến các loại rác thải nguy hại và rác thải y tế, rác thải công nghiệp, rác thải điện tử, phân bón hầm cầu, bùn cống rãnh bị ô nhiễm, nước thải và vỏ xe cũ…
Nơi đây sẽ có nhiều hệ thống phân loại, tái sử dụng và tái chế các loại chất thải thành những vật liệu hữu ích, được phân bố tại các khu như: khu sản xuất phân compost có công suất lớn; khu tái sinh tái chế chất thải sinh hoạt và công nghiệp không nguy hại; khu sản xuất ra thành nhiên liệu lỏng và nhiên liệu hơi đốt; khu chôn lấp ủ lấy khí metan sản xuất điện năng an toàn và hợp vệ sinh theo công nghệ Mỹ, có thể cung ứng năng lượng điện cho quốc gia"./.