Vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin không thể thiếu TP.HCM
VOV.VN - Ngày 24/11, tại Hội thảo đóng góp cho đề án “Xây dựng Vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu”, "tư lệnh" ngành công nghệ thông tin các địa phương đều cho rằng, phải có sự tham gia của TP.HCM với vai trò dẫn dắt.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở thông tin và truyền thông tỉnh Bình Dương, hiện Vùng động lực (Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) đang triển khai xây dựng Khu Digital có quy mô lớn phục vụ cho cả nước và khu vực Đông Nam Á. Vừa qua, một số doanh nghiệp ở TP.HCM về lĩnh vực này phối hợp với Singapore muốn đặt một Trung tâm dữ liệu tại Bình Dương, đây là vấn đề quan trọng cho cả hệ sinh thái.
Ông Tuấn cho rằng, cần làm rõ hơn mối quan hệ của TP.HCM đối với Vùng động lực này, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo nhân lực: “Đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực công nghiệp ICT thì TP.HCM đã có 57 trường đại học lớn, rồi các trường trong hệ sinh thái vùng Đông Nam bộ phải có sự kết nối. Đặc biệt, TP.HCM có thể là nơi dẫn dắt, việc dẫn dắt này là Khu công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, làm sao có sự kết nối, phối hợp mới có thể thành công được”.
Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Tạ Quang Trường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai cho rằng, vấn đề đào tạo nhân lực cần có sự thống nhất giữa các địa phương trong Vùng động lực; cần phân định rõ để tránh trùng lắp giữa các địa phương và hạn chế việc đào tạo xong nhưng không sử dụng được, phải đào tạo lại.
Theo ông Trường, mặc dù không nằm trong đề án của Vùng động lực nhưng cần sự đóng góp của TP.HCM: “Đào tạo làm sao phải dẫn dắt hệ thống trường, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo. TP.HCM sẽ là mắc xích quan trọng, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng từ TP.HCM, các thầy cô giáo đi Đồng Nai, Bình Dương để đào tạo, lực lượng đào tạo này có lợi thế thì để Đồng Nai, Bình Dương làm, còn xa hơn thì Bà Rịa - Vũng Tàu đào tạo cái khác. Không nên kéo giáo viên từ TP.HCM về Vũng Tàu mở trường thì không hiệu quả”.
Theo ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để đề án xây dựng Vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm điện, điện tử, sản phẩm Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo khả thi hơn, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương phải cùng nhau trao đổi sâu hơn, sau đó tham mưu cho UBND các tỉnh, trình Bộ Thông tin và Truyền thông. Có thể đề án chậm hơn so với dự kiến nhưng sẽ là bước đi vững chắc.
Ông Hiền cho biết, liên quan đến đề án Vùng động lực, ngoài việc rà lại quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia thì có rất nhiều lĩnh vực như: năng lượng, khoa học – công nghệ..., do đó, nhất thiết phải có sự tham gia của TP.HCM trong vai trò đầu tàu.
“Nguồn đào tạo từ TP.HCM thì các địa phương Đồng Nai, Bình Dương và cả Bà Rịa – Vũng Tàu chúng ta không nên bỏ ngoài TPHCM, phải làm rõ vai trò dầu tàu dẫn dắt. Phải làm rõ vai trò của TP.HCM trong đề án này nếu không chúng ta sẽ thất bại”, ông Hiền nêu rõ.
Trong thời gian tới, 3 địa phương Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục "ngồi lại" với nhau để cùng đóng góp cho đề án Vùng động lực. Mục đích là hướng tới trở thành một vùng phát triển, trung âm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics, trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới, với kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.